Italia đang đứng trước nguy cơ bế tắc chính trị sau khi kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử quốc hội cho thấy, không đảng nào giành chiến thắng áp đảo tại Thượng viện để có thể đứng ra thành lập chính phủ. Ngay lập tức, các thị trường đã phản ứng tiêu cực.
Nguy cơ khủng hoảng
Theo kết quả kiểm phiếu công bố ngày 26/2, liên minh trung tả của ông Pier Luighi Bersani đã giành chiến thắng sít sao trước liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi trong cuộc bầu cử tại Hạ viện. Với 99,9 % số phiếu được kiểm, liên minh trung tả dẫn đầu với 29,54% số phiếu. Xếp thứ hai là liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi với 29,18%. Tiếp đó là đảng Phong trào 5 Sao giành 25,55% và liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti được 10,56%. Với kết quả này, liên minh trung tả của ông Bersani đã chắc chắn giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Các tấm áp phích bầu cử in hình nhà lãnh đạo liên minh trung tả Pier Luigi Bersani (trái) và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi của liên minh trung hữu trên một bức tường ở thủ đô Rôma ngày 26/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tuy nhiên, kết quả bầu cử sơ bộ tại Thượng viện cho thấy liên minh trung tả mặc dù dẫn đầu với 31,63% nhưng chỉ giành được 97 ghế, so với tỷ lệ 30,71% và 110 ghế của liên minh trung hữu. Theo quy định của luật bầu cử Italia, một đảng hoặc liên minh phải giành được ít nhất 158/315 ghế tại Thượng viện mới có thể kiểm soát Thượng viện.
Sở dĩ có kết quả như vậy là theo luật bầu cử Italia, một đảng hoặc liên minh giành được đa số ghế Thượng viện tại một vùng sẽ tự động được phân bổ ít nhất 55% số ghế thượng nghị sỹ của vùng đó. Còn tại Hạ viện, đảng nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ tự động được cộng thêm phiếu để đủ chiếm đa số ở mức 54% nhằm đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của Hạ viện.
Với kết quả sơ bộ này, nền kinh tế lớn thứ 3 của Khu vực đồng euro (Eurozone) đang đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng chính trị, bởi theo quy định một đảng phải giành chiến thắng ở cả hai viện mới đủ điều kiện đứng ra thành lập chính phủ. Do đó, nhiều khả năng Italia sẽ phải tổ chức lại một cuộc bầu cử trong những tháng tới. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất cho các thị trường đang hy vọng Italia tiếp tục cải cách để vượt qua khó khăn kinh tế hiện nay.
Thị trường thế giới rúng động
Thị trường tài chính thế giới ngày 26/2 đã phản ứng tiêu cực trước nguy cơ bế tắc chính trị ở Italia có thể tạo ra bất ổn mới tại Eurozone. Lúc mở cửa phiên ngày 26/2, toàn bộ các chỉ số chứng khoán chính ở thị trường châu Âu đều lao dốc. Trong đó, chỉ số chỉ số FTSE 100 của Anh giảm mạnh 1,49% xuống 6.260,36 điểm; chỉ số DAX của Đức mất 1,17% xuống 7.682,24 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2,79% xuống 3.617,63 điểm. Chỉ số Eurostocx 50 (chỉ số quan trọng của châu Âu) giảm tới 3,3%.
Cùng chung xu hướng, thị trường chứng khoán châu Á ngày 26/2 cũng đua nhau mất điểm. Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,26 % xuống 11.398,81 điểm. Hai thị trường chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hồng Công đều chốt phiên với mức giảm tương ứng 1,4% và 1,32%. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc lúc đóng cửa cũng giảm 0,47%.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ mở cửa phiên 26/2 đã đảo chiều tăng nhẹ, sau khi giảm mạnh trong phiên 25/2. Kết thúc phiên 25/2, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 216,40 điểm (tương đương 1,55%). Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 11/2012. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 27,75 điểm (1,83%), trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq mất 45,57 điểm (1,44%).
Trong khi đó, giá dầu thô cũng đi xuống trước lo ngại bế tắc chính trị ở Italia sẽ làm giảm tiêu thụ nhiên liệu do kinh tế thế giới khó khăn thêm. Tại New York lúc 22 giờ 45 ngày 26/2 (giờ Hà Nội), giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2013 giảm 0,29 USD còn 92,82 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 0,79 USD còn 113,63 USD/thùng. Trước đó cùng ngày, trên Sàn giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu ngọt nhẹ giảm 0,65 USD xuống 92,46 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,79 USD còn 113,65 USD/thùng.
Lê Hải (tổng hợp)