Hàng viện trợ của Liên hợp quốc vào Dải Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom. Ảnh: AFP |
Theo người phát ngôn quân đội Israel, hai cửa khẩu Kerem Shalom và Erez sẽ hoạt động bình thường kể từ sáng 4/11. Trong khi đó, ông Raed Fatouh, quan chức Palestine chịu trách nhiệm điều phối giao thông tại cửa khẩu Kerem Shalom, cho biết việc mở lại hai cửa khẩu này sẽ cho phép các chuyến xe vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa khác vào Dải Gaza.
Chính quyền Tel Aviv quyết định đóng hai cửa khẩu nói trên sau khi một quả rocket được bắn từ Dải Gaza rơi xuống lãnh thổ Israel hôm 31/10, song không gây thương vong hay thiệt hại nào. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào lãnh thổ Israel kể từ hôm 16/9 và là vụ thứ hai kể từ khi chấm dứt cuộc chiến kéo dài 50 ngày của Nhà nước Do Thái nhằm vào lực lượng Hamas tại Gaza.
Kể từ năm 2007, Israel đã phong tỏa đường không, đường bộ và đường biển vào Dải Gaza. Vùng lãnh thổ này của Palestine có tổng cộng 7 cửa khẩu đường bộ, trong đó 6 cửa khẩu do Israel kiểm soát và cửa khẩu còn lại do Ai Cập kiểm soát.
Tel Aviv khóa chặt 4 cửa khẩu với Dải Gaza sau khi phong trào Hồi giáo Hamas giành kiểm soát dải đất ven biển này, trong khi chỉ mở cửa khẩu Kerem Shalom cho mục đích thương mại và cửa khẩu Erez cho người Palestine qua lại giữa Gaza và Bờ Tây.
Thông qua kế hoạch xây hơn 500 nhà định cư mới Trong một diễn biến khác, ngày 3/11, Chính phủ Israel đã phê chuẩn dự án xây dựng 500 nhà định cư mới tại khu vực Ramat Shlomo, phía Đông Bắc Jerusalem.
Theo mạng tin Walla, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Nội vụ Gideon Sa'ar đã nhất trí xúc tiến dự án xây dựng nói trên trong một cuộc họp tuần trước và đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Ủy ban thành phố Jerusalem. Trong khi đó, nhật báo Ha'aretz cho biết ban đầu Israel dự định xây 640 căn nhưng đã giảm bớt quy mô để tránh ảnh hưởng đến các hồ nước tự nhiên. Kế hoạch này đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án.
Hồi tháng trước, ủy ban trên cũng phê chuẩn việc xây dựng một khu định cư mới quy mô lớn, bao gồm hơn 2.600 nhà định cư, ở khu vực Givat Hamatos thuộc Đông Jerusalem.
Trước động thái trên, người phát ngôn Phủ Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rdineh cho rằng hành động của chính quyền Tel Aviv là nhằm trả đũa việc cộng đồng quốc tế, mà điển hình là Thụy Điển mới đây đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine và quyền tự chủ của nhân dân Palestine.
Cũng theo quan chức trên, phái đoàn quan chức Palestine đã tới Washington hôm 2/11 và hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức Mỹ về việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn bị đổ vỡ hồi tháng 4.
Cùng ngày, hơn 100 cựu quan chức cấp cao quân đội, cảnh sát và tình báo Israel đã cùng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu nỗ lực theo đuổi hòa bình với người Palestine.
Theo mạng tin Ynet (Israel), tổng cộng 105 cựu quan chức đã ký vào một bức thư gửi tới Thủ tướng Netanyahu, hối thúc nhà lãnh đạo này theo đuổi "một sáng kiến thực sự", chung sống hòa bình với người Palestine và các nước Arab khác.
Trong bức thư gửi người đứng đầu Chính phủ Israel, các cựu quan chức đã đề cập tới Sáng kiến hòa bình Arab được Saudi Arabia đề xuất năm 2002, theo đó kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, trong đó có Đông Jerusalem, để đổi lại việc bình thường hóa quan hệ với các nước Arab.
Hồi tuần trước, cựu Tổng thống Israel Shimon Peres- người từng giành giải Nobel Hòa bình - cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, hối thúc chính phủ phải đưa ra được sáng kiến thúc đẩy hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua với người Palestine.
TTXVN/Tin Tức