Theo trang mạng “Đối thoại về quỹ” của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), việc giá các nguyên liệu - mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ Latinh, tăng cao, và nguồn vốn đổ vào khu vực ngày càng mạnh có nguy cơ tạo ra một cuộc bùng nổ tín dụng mới.Mức tăng trưởng tín dụng thực tế của thành phần kinh tế tư nhân của khu vực đã lên đến mức 10-15% vào cuối năm 2010, mặc dù vẫn thấp hơn mức 20 - 25% thời tiền khủng hoảng tài chính toàn cầu, song đã ở mức cao và dù chưa đủ để tạo ra bùng nổ tín dụng trong hiện tại, nhưng nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này thì nguy cơ trên hoàn toàn có thể trở thành thực tế, đặc biệt là tại Braxin và Pêru.
Theo trang mạng trên, tín dụng thế chấp đang có mức tăng trưởng đặc biệt cao, ví dụ tại Braxin đã vượt ngưỡng 40%/năm, cao gấp 3 lần mức năm 2007. Mặc dù thị trường thế chấp vẫn còn nhỏ tại nhiều nước Mỹ Latinh, nhưng mức tăng trưởng trên là mức tăng thuần túy của trung gian tài chính, và việc mở rộng tín dụng quá nhanh thường liên quan tới việc giảm mức khả tín của thị trường và đẩy cao nguy cơ vỡ nợ trong tương lai. Mức tăng trưởng tín dụng thế chấp trên đã đẩy giá nhà ở khu vực lên cao, với mức tăng trung bình 10%/năm kể từ 2005, cao hơn so với tỷ lệ tương tự của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.
Các nước trong khu vực cũng cần cẩn trọng với các nguồn vốn vay. Đa số các khoản tín dụng hiện tại vẫn được thanh toán bằng các tài khoản ngân hàng, mặc dù việc nở rộ tín dụng vừa qua song hành với mức tăng trưởng của nợ ngoài ngân hàng, đặc biệt là đối với thành phần ngân hàng vừa và nhỏ. Vì vậy, dù tỷ lệ nợ ngoài ngân hàng hiện vẫn ở mức thấp (dưới 10% tổng nợ), nhưng các quan chức tài chính Mỹ Latinh cần chú ý tới tình trạng này, do nó mang đặc tính rất mong manh.
Ngoài ra, với các nguồn tín dụng ngoài ngân hàng ngày càng dồi dào có chi phí hạ dần, số lượng các công ty Mỹ Latinh tiến hành thanh toán trực tiếp với đối tác nước ngoài ngày càng cao. Trong năm 2010, các công ty trong khu vực này đã phát hành hoặc vay nợ nước ngoài với tổng giá trị lên tới 150 tỷ USD, vượt xa so với mức trước khủng hoảng - thời điểm được nhận định là khá cao.
Việc nắm bắt thông tin về tổng hợp các nguồn vốn vay của các doanh nghiệp là tối cần thiết, đặc biệt khi bên cạnh tín dụng ngoài ngân hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn đồng thời sử dụng nguồn vốn vay và hệ thống ngân hàng địa phương để trang trải hoạt động của mình. Chính vì vậy, việc tránh để tình trạng nợ ngoài ngân hàng ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính là nhiệm vụ sống còn.
Để đối phó với nguy cơ trên, IMF khuyến cáo các quốc gia trong khu vực nên tránh áp dụng các biện pháp vĩ mô kích thích nhu cầu nội địa trong thời điểm nền kinh tế đang ở tình trạng quá năng động; xem xét các công cụ phòng ngừa vĩ mô như hoán đổi nợ công, thắt chặt giới hạn nợ ngoài ngân hàng, hay áp dụng các yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn đối với những tuyến tín dụng nhất định; tăng cường hệ thống cảnh báo tài chính; tăng cường thông tin, đặc biệt là về thị trường tín chấp và cấu trúc nợ doanh nghiệp.
Lê Hà