Hy Lạp và EU tìm được tiếng nói chung?

Mối lo về “cơn địa chấn” trong lòng Liên minh châu Âu (EU) với tác nhân Hy Lạp tạm thời được xóa tan, khi cả Athens và Brussels đạt được nhận thức chung về yếu tố gai góc nhất - cơ chế xử lý các khoản nợ của Hy Lạp.

Mối lo hiệu ứng Domino

Thắng lợi của đảng cánh tả Syriza trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp hôm 25/1 dù được tiên liệu trước vẫn gây ra những xáo động tại EU. Lần đầu tiên quốc gia Nam Âu này có một Thủ tướng theo đường lối cực tả, ông Alexis Tsipras. Còn EU thì đứng trước nguy cơ bất ổn được xem là lớn nhất kể từ khủng hoảng nợ công hồi năm 2010, với tác nhân vẫn là Hy Lạp.

Thủ tướng Alexis Tsipras (phải) gặp Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem tại Athens ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã có một số tuyên bố và hành động theo như cương lĩnh tranh cử, nhất là phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu, không chấp nhận các chương trình cải cách ngặt nghèo mà Nhóm “bộ ba” (Troika) chủ nợ gồm EU - trực tiếp là Quỹ Bình ổn châu Âu, Ngân hàng châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra để đổi lấy các gói cứu trợ. Athens mô tả “đơn thuốc” thắt lưng buộc bụng hơn 5 năm qua đã gây ra “khủng hoảng nhân đạo”, tạo ra một thế hệ “bị đánh cắp” tương lai. Chính phủ của tân Thủ tướng Tsipras đã tạm cho dừng chương trình tư nhân hóa mà IMF, EU đưa ra, cùng lúc tuyên bố sẽ cho áp dụng trở lại mức lương tối thiểu 751euro/tháng, thay vì mức 580 euro/tháng như hiện nay.

Đáng chú, hiệu ứng Hy Lạp cũng đã kịp tạo ra một luồng gió “thay đổi” tại một số nước châu Âu cùng trong tình cảnh đối mặt với núi nợ cao, phải thực thi chính sách tài khóa khắc khổ. Tây Ban Nha được xem là đốm lửa tiếp theo: Các cuộc biểu tình, tuần hành do đảng Podemos phát động đã thu hút được hơn 100.000 người tham dự trong ngày 1/2 vừa qua. Người biểu tình tại Madrid, Valencia hô vang khẩu hiệu “Chúng ta có thể”, giương cao biểu ngữ “thay đổi ngay bây giờ” để thể hiện sự ủng hộ Podemos theo đường lối chống “thắt lưng buộc bụng”. Nguy cơ tiềm ẩn cũng trực chờ bùng phát ở Bồ Đào Nha, Italia, chỉ có điểm khác là chưa có một đảng phái, thế lực chính trị nào đứng lên tập hợp lực lượng như những gì đã diễn ra ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, những “đốm lửa” này có phát thành “đám cháy” lan rộng trong EU hay không vẫn còn là một dấu hỏi, bởi sau đó người ta thấy thấp thoáng yếu tố chính trị. Chiến thắng của Syriza đã tiếp thêm sinh lực cho các chính đảng theo đường lối dân túy ở châu Âu. Podemos được kì vọng sẽ có thành công nối tiếp trong cuộc bầu cử tại Tây Ban Nha trong tháng 11 này. Thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, với 18% cử tri ủng hộ, sức hút của Podemos đang dần tiệm cận với đảng Xã hội đối lập và đảng Nhân dân (PP) cầm quyền - hai chính đảng thay nhau nắm quyền tại Tây Ban Nha từ năm 1975. Nhiều nước như Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Thụy Điển, Đức và Ireland cũng sẽ tiến hành bầu cử, với kết quả khó đoán định dành cho các đảng dân túy. Trong bối cảnh đó, gánh nặng đang thực sự dồn lên chính phủ liên minh tại Hy Lạp do Syriza làm nòng cốt: Nhiều người sẽ dõi theo Athens sẽ “đối mặt” và “thành công” như thế nào trước EU?

Ngòi nổ cơ bản được tháo


Trước thời điểm 25/1, nhiều người đã đề cập đến viễn cảnh Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) - được diễn đạt bằng thuật ngữ “Grexit”. Nguyên do là bởi Syriza trong cương lĩnh tranh cử của mình tuyên bố sẽ tìm cách xóa 1/2 trong tổng số nợ 315 tỉ euro số nợ công, coi đây là điểm trọng tâm trong việc đàm phán cơ cấu nợ với Nhóm Troika. Thế nhưng, sau khi ông Tsipras lên nắm quyền, người ta thấy một sự mềm mỏng hơn trong ứng xử của Athens. Thay vì đòi xóa nợ, chính phủ của Thủ tướng Tsipras tuyên bố muốn đàm phán về cơ chế giải quyết các khoản nợ cũng như các khoản cứu trợ mới.

Nguyên do là bởi trong cuộc đối đầu với Nhóm Troika, Hy Lạp gặp phải những khó khăn riêng. Athens đang phải đối mặt với khoản nợ 9 tỷ euro phải trả cho IMF trong năm 2015, trong đó có 2,3 tỷ euro sẽ thanh toán trong tháng 2 này và tháng tới. Hy Lạp cũng sẽ phải thanh toán khoản trái phiếu 6,7 tỉ euro do ECB nắm giữ trong tháng 7 và tháng 8 năm nay. Kịch bản “Grexit” được dùng trong trường hợp Hy Lạp muốn thoát khỏi các nghĩa vụ ràng buộc đã cam kết cũng không phải là điều dễ dàng, do sức ép từ trong nước, khi mà vẫn có đến hơn 73% người dân Hy Lạp ủng hộ việc ở lại eurozone. Trong khi đó, châu Âu hiện không còn lo sợ hiệu ứng domino mang tên Hy Lạp như hồi năm 2010. EU từng phát đi tín hiệu sẵn sàng chấp nhận “Grexit”; còn Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31/1 tuyên bố thẳng sẽ không có chuyện xóa nợ cho Hy Lạp, vì điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến nhiều nước khác làm theo mỗi khi gặp khó.

Trong tuần này, Thủ tướng Tsipras cùng Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã có chuyến công du con thoi tới một loạt các nước EU. Câu trả lời cho những khúc mắc giữa Hy Lạp và EU dường như cũng đã lộ diện. Phát biểu trước hơn 100 nhà tài trợ tại một hội nghị tài chính ở London (Anh) hôm 2/2, ông Varoufakis nói rằng: Athens muốn chấm dứt đối đầu với các chủ nợ bằng một đề xuất mới về giãn nợ. Theo đó, chính phủ Hy Lạp sẽ thực hiện hoán đổi các khoản nợ đến hạn bằng trái phiếu, mức độ chi trả đi theo tốc độ tăng trưởng. Cùng lúc, Hy Lạp sẽ thực hiện cải cách về thuế; duy trì thặng dư ngân sách cơ bản sau khi đã trả lãi ở mức 1- 1,5% GDP.

Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời một quan chức tham dự Hội nghị này cho biết: Ông Varoufakis đã bộc bạch bạch rằng, nếu cần sử dụng các lối nói “uyển ngữ” và các công cụ khoa học tài chính để đưa Hy Lạp thoát khỏi cảnh bần cùng vì nợ nần thì “chúng tôi sẵn sàng làm”. Nếu đúng vậy, những tuyên bố cứng rắn mà cả Athens và Brussels từng đưa ra trước đây đều có thể xem là những bước “ngã giá” cơ bản trong nghệ thuật đàm phán. Giãn nợ, thậm chí ở bước tiếp theo là giảm lãi suất đối với các khoản vay để đổi lại việc Hy Lạp vẫn thuận theo những nguyên tắc của EU là giải pháp hợp lý cho cả hai. Athens sẽ tránh được các sức ép về nợ, có thể xem là một hình thức khác của xóa nợ. Còn EU sẽ tháo được “ngòi nổ” Hy Lạp, không phải chứng kiến sự xuất hiện của “một số gương mặt mới” theo đường hướng dân túy, đe dọa đến sự nắm quyền của tầng “tinh hoa kĩ trị” kiểu truyền thống tại Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu (EP).

Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN