Huy động sức dân đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới

Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế cho người dân, huyện miền núi Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và hỗ trợ bà con xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi của ông Nguyễn Trọng Đức, trú tại thôn Quế Phú, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân.

Như Xuân là huyện miền núi khó khăn. Để thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Huyện thực hiện huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và vận động bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mới để nâng cao thu nhập.

Năm 2018, huyện Như Xuân đã huy động hơn 131,7 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách hơn 28 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 41 tỷ đồng, vốn phát triển sản xuất 16,5 tỷ đồng cùng các nguồn vốn khác. Huyện đã ban hành cơ chế thưởng 40 triệu đồng/năm đối với thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thưởng 200 triệu đồng/năm với xã đạt chuẩn nông thôn mới và thưởng 300 triệu đồng/năm với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Bên cạnh đó, huyện Như Xuân đã hướng dẫn người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện dự án xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn nhằm hỗ trợ 9.000 gà con cho 9 hộ dân thuộc 3 xã Cát Vân, Thanh Hòa, Thanh Quân phát triển kinh tế chăn nuôi với kinh phí là 819 triệu đồng. Thực hiện dự án xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mắc ca với 15 hộ và 1 doanh nghiệp tham gia, tổng nguồn vốn hơn 2,6 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, huyện Như Xuân còn xây dựng, bê tông hóa 60 km đường giao thông, 6,4 km kênh mương, xây mới, nâng cấp 14 nhà văn hóa, 1.200 ngôi nhà, xóa nhà tranh tre cho 100 hộ và xây mới 1.300 hố rác. Hiện toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, 14/18 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Tại xã Hóa Quỳ, giai đoạn 2011-2017, xã được Nhà nước cấp 70 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Sau khi nhận nguồn vốn, UBND xã đã chủ động xây dựng các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất cho người dân. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.

Ông Hà Ngọc Năm, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ cho biết, cách đây 5 năm gia đình ông vốn thuộc diện quá nghèo. Sau khi được cán bộ xã chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông đã mua con giống về phát triển chăn nuôi và mở thêm cửa hàng đại lý bán hàng tạp hóa quanh vùng. Nhờ kiên trì, tới nay trang trại của gia đình ông ngày càng phát triển với 6.000 con gà, 100 con lợn, 1 cửa hàng tạp hóa; thu nhập gia đình khoảng 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn ông Lê Đình Tái, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ cho biết, năm 2013, ông vay vốn ngân hàng để mở trang trại chăn nuôi gà sạch kết hợp trồng rừng. Khởi đầu gian nan, thế nhưng nhờ chịu khó, cộng với tinh thần ham học hỏi, tới nay trang trại của ông ngày càng được mở rộng. Hiện ông đang nuôi 4.000 con gà, mỗi năm bán 2 lứa với 8.000 con gà sạch, 1 ha rừng trồng các loại cây lâm nghiệp, thu nhập bình quân của gia đình khoảng 140 triệu đồng/năm. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn luôn tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông, dọn vệ sinh nhà văn hóa.

Theo ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch xã Hóa Quỳ, xây dựng nông thôn mới đã được chính quyền, nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 31 triệu đồng/năm, cuộc sống người dân ngày càng ổn định hơn. Những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục giữ vững các tiêu chí và vận động bà con cùng bảo vệ thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tính đến nay, huyện Như Xuân đã có 4 xã, 52 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 13,35 tiêu chí/xã, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,92% (năm 2017 là 22%); thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 27,5 triệu đồng/năm (năm 2017 là 23,3 triệu đồng/hộ). Mặc dù vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn khó khăn do nguồn lực còn hạn hẹp, việc huy động sức dân đang còn thấp, đời sống một số người dân tộc thiểu số thấp, tập quán sản xuất lạc hậu nên ảnh hưởng đến việc hỗ trợ sản xuất.

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Như Xuân cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, huyện sẽ phấn đấu có thêm 2 xã là Xuân Bình, Cát Vân và 10 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Xã tiếp tục phát huy xã hội hóa các công trình công cộng vừa sức dân, vận động người dân góp công sức xây dựng các đường giao thông, nhà văn hóa, đường điện nông thôn, thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình 135, Đề án trồng rừng gỗ lớn, Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái
Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái

Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, bộ mặt nông thôn của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân ngày được cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN