Đồng bào Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên theo phong tục truyền thống người con gái sẽ đi hỏi chồng và con trai sẽ về ở rể nhà gái đến trọn đời. Theo đó, các nghi lễ cưới hỏi phải qua những nghi thức bắt buộc sau:
Lễ mai mối: Khi người con gái lớn, nhà gái thường chủ động chọn chồng qua hình thức mai mối. Tiến hành lễ này do ông mai bà mối đảm nhiệm và phải luôn giữ kín chuyện mai mối, nếu chưa biết được ý tứ của nhà trai như thế nào.
Cô dâu và chú rể trong trang phục truyền thống.
|
Chú rể và cha mẹ đỡ đầu cùng cha mẹ chuẩn bị sang nhà gái. |
Lễ dạm hỏi: Trong lễ này, nhà gái sẽ chuẩn bị lễ vật dâng cho họ nhà trai. Vật lễ bao gồm trầu, cau, rượu, bánh tét, bánh ít, một vài bánh truyền thống. Lúc này, họ nhà trai cũng đã chuẩn bị nghi thức đón lễ vật. Chiếu được trải dài trước sân nhà, hai họ ngồi thành hàng đối diện theo hướng Đông-Tây.
Đoàn người đưa chú rể sang nhà gái. |
Lễ dứt lời: Trước khi ra về, họ nhà gái sẽ mời nhà trai sang nhà gái để quyết định chính thức về hôn nhân của hai trẻ, nhà gái sẽ thết đãi nhà trai một bữa tiệc mặn. Sau lễ này, đại diện hai bên đem lễ vật (trầu, cau, rượu…) đến gặp gru (thầy cúng) xem ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới.
Chọn tháng, ngày và giờ: Đồng bào Chăm thường tổ chức cưới hỏi vào tháng 3, 6, 10, 11 (theo lịch Chăm) và phải nhằm vào các ngày bingun, tức vào những ngày thượng tuần trăng (trước trăng tròn 15) và nhằm vào ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm trong tuần. Thứ tư được chọn là ngày cưới chính, vì theo quan niệm người Chăm thứ tư là ngày đất nẻ, đất tốt. Lễ cưới vào ngày thứ tư mang ý nghĩa mưu cầu cho sự sinh sôi nảy nở, đôi vợ chồng sinh con đẻ cái đầy đàn.
Mẹ đỡ đầu của cô dâu chuẩn bị đón rể. |
Lễ đón rể: Vào đầu giờ chiều ngày thứ tư, nhà trai sẽ chuẩn bị đưa chú rể sang nhà gái. Khi đoàn đưa rể đến, nhà gái bưng khay trầu, rượu, nước trà ra đến nơi hẹn trước cổng để đón chú rể. Tại đây, mọi người trải chiếu, rót rượu, nước trà làm lễ, chờ đến giờ lành để đưa chú rể bước vào cổng nhà gái.
Lễ trao tay chú rể cho nhà gái: Tại phòng the, cha mẹ đỡ đầu tiến hành làm lễ trao tay và chúc tụng cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc, sống trọn với nhau đến đầu bạc răng long. Sau nghi thức làm lễ, trong ba đêm đầu, hai người ở bên nhau chỉ được trò chuyện cùng nhau, cấm tuyệt đối “chuyện chăn gối”.
Lễ trả áo: Đến ngày thứ ba sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị vật lễ như bánh trái, cau trầu, bánh sakaya, bánh tét, để vào một cái Ciet (vật tổ) để về nhà trai trả lễ. Nhà trai sẽ trịnh trọng đón đôi vợ chồng trẻ và dịp này, cha mẹ, anh chị, cô bác chú rể cũng trao tặng cho đôi vợ chồng những tặng phẩm như vải lụa, trang sức và những vật dụng thiết yếu xem như là của hồi môn.
Putra Jatrai