Hối thúc Nam Sudan chấm dứt xung đột

Các nhà lãnh đạo thế giới ngày 22/12 tiếp tục nỗ lực kéo Nam Sudan ra khỏi bờ vực của một cuộc nội chiến toàn diện. Trong khi số người chết do giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và lực lượng ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar không ngừng gia tăng.

Bạo lực khiến nhiều người nước ngoài đang ở Nam Sudan phải sơ tán khỏi quốc gia này. ẢNh: AFP/TTXVN


Các đặc phái viên của Mỹ và Nigeria đã lên đường tới thủ đô Juba của Nam Sudan với sứ mệnh ngăn chặn bạo lực lan rộng tại quốc gia đông Phi non trẻ này.


Trước đó, trong một cuộc họp báo ngày 21/12 khi đang ở thăm Philippines, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên ở Nam Sudan chấm dứt bạo lực ngay lập tức. Ông Ban Ki-moon thúc giục Tổng thống Kiir và ông Machar tìm biện pháp chính trị để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, đồng thời ra lệnh cho binh sĩ hạ vũ khí.


Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo nếu xảy ra bất kỳ cuộc đảo chính quân sự nào ở Nam Sudan, Mỹ và đồng minh sẽ cắt viện trợ cho quốc gia này. Tổng thống Obama còn yêu cầu lãnh đạo Nam Sudan có trách nhiệm hỗ trợ Mỹ đảm bảo an toàn cho nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ tại Nam Sudan. Yêu cầu trên của Mỹ được đưa ra sau khi ba chiếc máy bay CV-22 Osprey của Mỹ bị nã đạn khi đang đến thành phố Bor ở bang Jonglei nhằm sơ tán công dân Mỹ.


Cùng với Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã gọi điện gây sức ép với Tổng thống Nam Sudan Kiir phải ngăn chặn bạo lực sắc tộc và đảm bảo an toàn công dân Mỹ ở Nam Sudan.


Trong khi đó, tình hình ở Nam Sudan ngày càng nguy hiểm. Theo một quan chức ở thành phố Bentiu, thủ phủ bang Unity và đang bị phe đối lập chiếm giữ, xác người rải rắc khắp nơi sau khi Bentiu thất thủ. Ông này cho biết đụng độ xảy ra ác liệt sau khi một tư lệnh quân đội cấp cao ở bang Unity là thiếu tướng James Koang Choul đào tẩu sang phe đối lập.


Ở bang Jonglei, lực lượng đối lập vẫn đang kiểm soát thành phố Bor - thủ phủ bang, còn các khu vực quanh Bor nằm trong tay chính phủ Nam Sudan. Quân đội Nhân dân Giải phóng Sudan đang thực hiện một chiến dịch quân sự để chiếm lại thành phố này.


Để đảm bảo an toàn, các nước như Mỹ, Anh, Kenya và Uganda đang sơ tán công dân của mình ra khỏi Nam Sudan. Các công ty dầu khí đã đưa nhân viên về do lo ngại cho tính mạng của họ.


Nam Sudan, mới tách ra từ Sudan hồi năm 2011, trong những ngày qua đã chứng kiến đụng độ đẫm máu giữa các đối thủ có sắc tộc khác nhau là Tổng thống Kiir thuộc dân tộc Dinka và ông Machar thuộc dân tộc Nuer. Tổng thống Kiir cáo buộc ông Machar âm mưu đảo chính, trong khi ông Machar cho rằng đang bị chính quyền tìm cách thanh trừng. Đụng độ đã khiến ít nhất 500 người ở Juba thiệt mạng chỉ trong một tuần, hàng chục nghìn người đã bỏ nhà tìm nơi lánh nạn.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN