Hồi sức cho doanh nghiệp: Gỡ “nút thắt” về vốn

Tính riêng trong năm 2013 đã có tới 65% doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm doanh thu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, lượng đơn đặt hàng ít, hàng tồn kho tăng cao… Giải pháp căn bản trước mắt là cần gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long có thể phục hồi.


Vốn có nhưng khó vay


Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam tại (VCCI) Cần Thơ cho biết, năm 2013, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do vậy nhiều doanh nghiệp không thể mở rộng đầu tư, thị trường và giải quyết hàng tồn kho.


Số liệu của ngành ngân hàng cho thấy chỉ khoảng 27% số doanh nghiệp đang hoạt động, tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

 

Doanh nghiệp ĐBSCL hiện rất cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lý giải: khủng hoảng kinh tế kéo dài, lạm phát tăng cao khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, quy mô hoạt động doanh nghiệp thu hẹp. Nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu là vay ngân hàng. Vì vậy khi chính sách về tiền tệ có biến động, đặc biệt là lạm phát và lãi suất tăng cao thì các doanh nghiệp hạn chế sử dụng vốn ngân hàng.


Mặt khác tình trạng thua lỗ kéo dài khiến doanh nghiệp không có phương án vay vốn khả thi bởi không còn tài sản thế chấp. Những doanh nghiệp đủ điều kiện vay thì không dám vay.


Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trước đây mở rộng quy mô sản xuất “vượt tầm” kiểm soát, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn hoặc sử dụng vốn sai mục đích đã phải “trả giá” không thanh toán được nợ khi đến hạn, làm phát sinh nợ xấu và không đủ điều kiện vay tiếp.


Ông Lê Văn Hậu - GĐ công ty TNHH thương mại dịch vụ Phước Anh cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ xấu nhiều đã khiến các ngân hàng thận trọng, xem xét khách hàng kĩ lưỡng trong hoạt động tín dụng của mình. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, khi doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất thì lợi nhuận doanh nghiệp giảm, lượng tiền huy động vốn của ngân hàng cũng giảm theo.

Thực ra, các doanh nghiệp vay vốn tín dụng, nếu sử dụng đúng mục đích thì cũng khó phát sinh nợ xấu. Vấn đề là ngân hàng, khi cho vay, cần tiếp cận với những phương án khả thi, đầu tư đúng mục đích, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đang rất cần vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh.


Đồng bộ giải pháp


Ths. Nguyễn Thị Hiền - Viện chiến lược ngân hàng cho rằng: Trong thời gian qua ngân hàng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp nói chung. Ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng hơn 77% nhu cầu vốn tín dụng tại khu vực.


Theo ông Võ Hùng Dũng: Các phân tích cho thấy ĐBSCL rất thiếu vốn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn đầu tư của Chính phủ còn hạn hẹp, vốn đầu tư trực tiếp vào vùng còn rất thấp thì nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vài trò quan trọng, quyết định sự phát triển của kinh tế vùng. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước cũng như ngành ngân hàng cần có những chính sách đồng bộ.


PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng - Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có cơ chế để khuyến khích các NHTM cạnh tranh mở rộng cho vay nông nghiệp - nông thôn nói chung, trong đó có vùng ĐBSCL như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn, khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh, mở rộng mạng lưới hoạt động ở nông thôn trong vùng ĐBSCL.


Mặt khác, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần phát triển nông nghiệp chế biến bền vững theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế tiểu vùng, nâng cao năng lực cả về năng lực chế biến lẫn chất lượng sản phẩm hàng nông, thủy sản xuất khẩu, phát triển mạnh công nghiệp cơ khí phục vụ nông - ngư nghiệp… ĐBSCL cần được đầu tư lớn cho đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới máy móc thiết bị, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương để thu hút đầu tư nước ngoài.


Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công bố quỹ đất có thể giao cho giao hoặc cho thuê, đất hoang hóa… có thể sử dụng để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng đầu tư vào các vùng chuyển đổi.


Các địa phương cũng cần sớm tổng kết các mô hình liên kết 5 nhà, 3 nhà để xem xét những khó khăn, vướng mắc nhằm có hướng liên kết hiệu quả hơn. Các bộ, ngành trung ương cũng cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm, khả năng tiếp thị nông sản ra quốc tế, nâng cao uy tín một cách bền vững các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở các thị trường trên thế giới, đảm bảo lợi ích từ các chính sách ưu đãi đến trực tiếp người sản xuất…


Giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay thực sự là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, tuy nhiên trước mắt vẫn là sự nỗ lực của chính doanh nghiệp. Theo cách nói của ThS Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ DN phát huy tác dụng, việc tăng cường liên kết giữa các DN với nhau là nhu cầu tất yếu từ thực tiễn, các DN phải biết tận dụng thế mạnh của nhau để phát huy khả năng sản xuất kinh doanh.

 

Từ đó tiến tới xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị, tập trung vào 3 cụm ngành lúa gạo, thủy sản và trái cây để có chiến lược quảng bá chung cho toàn vùng. Về lâu dài, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 cụm ngành trên. Lồng ghép các chương trình bình ổn giá, sự hỗ trợ, đóng góp của các địa phương, DN để hình thành nên Quỹ hỗ trợ DN Vùng ĐBSCL”, ThS Trần Hữu Hiệp đề xuất.

 

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN