Hồi âm bài báo “Bói” đâu tiến sĩ để mở ngành?

TS.NGƯT Phan Trọng Thành, Trưởng khoa Sân khấu, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (SKĐA HN):
Trường đặc thù, quy chế cũng phải đặc thù


Theo tôi, để xảy ra tình trạng phải dừng tuyển sinh này là do thông tin giữa Bộ GD - ĐT và trường ĐH SKĐA Hà Nội chưa chặt chẽ. Phía nhà trường chưa cung cấp đầy đủ những thông tin về đào tạo cho Bộ, còn phía Bộ GD - ĐT thì chưa thực sự hiểu về thực tiễn đào tạo của nhà trường (trường ĐH SKĐA thuộc quản lý của Bộ VH,TT&DL, nhưng Bộ GD - ĐT quản lý về khung, chương trình đào tạo) nên dẫn đến những quyết định gây thiệt thòi cho nhà trường.

 


Trường SKĐA đã có quá trình đào tạo nghệ thuật hơn 30 năm và vẫn luôn được khẳng định là đầu ngành về đào tạo nghệ thuật trong nước cũng như trong khu vực. Kết quả đào tạo của nhà trường đã được minh chứng bằng nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp ra trường đã xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, nhiều danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng như: NSND, NSƯT... Như vậy, không thể đánh giá trường SKĐA không thực hiện đúng quy trình đào tạo ra những nghệ sỹ.

Hơn nữa, ngay từ khi thi đầu vào, Bộ GD - ĐT đã chấp nhận quy chế tuyển sinh riêng cho trường SKĐA là chỉ thi riêng môn năng khiếu, kèm thêm môn Văn là môn phụ trợ. Mỗi một chuyên ngành cũng chỉ tuyển sinh có giới hạn từ 10 - 15 sinh viên, nhiều nhất là 20 sinh viên. Thời gian cho các em thực hành sáng tạo cũng nhiều hơn các nghành nghề khác. Hơn nữa, thầy cô được giao trách nhiệm chủ nhiệm lớp học bao giờ cũng theo sát lớp từ năm đầu tiên đến năm thứ 4. Bản thân những điều đó đã là đặc thù, thì đi kèm với nó đương nhiên phải có một quy chế đặc thù.


Bên cạnh đó, trường ĐH SKĐA đào tạo những người nghệ sỹ có khả năng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật, sinh viên trong quá trình được đào tạo luôn nắm vững quy trình và quá trình đào tạo của “tư duy hình tượng”, chứ không hoàn toàn là “tư duy lý luận”. “Tư duy lý luận” nhằm mục đích định hướng và nâng cao chất lượng tác phẩm và thúc đẩy “tư duy hình tượng” phát triển tốt hơn, nhưng với đặc thù đào tạo của nhà trường thì không đặt nặng “tư duy lý luận”. Chính vì vậy mà đội ngũ lý luận của trường SKĐA không nhiều như các trường khác. Trường ĐH SKĐA đào tạo ra những người nghệ sỹ làm ra những tác phẩm mang yếu tố tổng hợp (một vở kịch, một bộ phim...), mà để làm nên một tác phẩm nghệ thuật sân khấu hay điện ảnh thành công, cần sự kết hợp của nhiều bộ phận, nhiều ngành nghề đào tạo, đôi khi nó còn liên quan đến cả các ngành kỹ thuật nữa. Vì vậy, đòi hỏi học vị tiến sĩ cho các ngành riêng lẻ như là tiến sĩ diễn viên hay tiến sĩ quay phim là rất khó và phức tạp.


Bộ GD - ĐT nên có cái nhìn tổng quát, xem cách làm của các nước trên thế giới. Hơn nữa, nên có sự linh động, dành một quy chế riêng cho các ngành đào tạo của trường, chứ không nên áp dụng một cách máy móc theo chỉ tiêu như các ngành kỹ thuật khác.

 

Th.s - NSƯT Hoàng Song Hào, Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường ĐH SKĐA HN: Không nên áp đặt

 

Nếu căn cứ theo tiêu chí mà Bộ GD - ĐT đề ra, trường ĐH SKĐA vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu đó, sở dĩ để xảy ra sự việc Bộ GD - ĐT ra quyết định tạm đình chỉ một số ngành nghề đào tạo đối với nhà trường là do thiếu sót trong việc sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp. Hơn nữa, trường ĐH SKĐA là đơn vị đào tạo những ngành nghề mang tính chất đặc thù, giảng viên đứng lớp cũng đòi hỏi phải có thực tế, phải giỏi nghề, chứ nếu chỉ “sách vở” thì sinh viên sẽ không phục và nghe theo. Sinh viên hiện nay có trình độ cao, nên việc tiếp nhận thông tin cũng có sự chọn lọc rõ ràng, vì thế giảng viên cũng phải có trình độ, có thực tiễn thì mới “thu phục” được sinh viên.

 

Lê Tiến Quang, sinh viên khoa Sân khấu, trường ĐH SKĐA HN: Được công chúng ghi nhận cũng là “bằng cấp”

 


Theo quan điểm của tôi, một nghệ sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu hay điện ảnh, được công chúng công nhận, thì hoàn toàn có thể đứng trên bục giảng, mà không cần đến học hàm, học vị. Các trường đại học hay cao đẳng đào tạo về nghệ thuật cũng không cần thiết phải có thạc sĩ hay tiến sĩ mới có thể mở ngành, bởi hầu hết những người làm công tác nghệ thuật đều là người của công chúng, được công chúng ghi nhận và cũng từ thành công đó, họ được mời làm công tác giảng dạy cho sinh viên tại các trường học.


Quỳnh Như (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN