Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa 13 con trâu lên xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái để thực hiện mô hình hỗ trợ nuôi trâu sinh sản với tổng trị giá là 500 triệu đồng. Việc triển khai dự án này nhằm hướng người chăn nuôi trâu trong xã học tập để áp dụng tại gia đình, góp phần tăng thu nhập và tiếp tục triển khai, nhân giống đàn trâu tại địa phương. Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ, thuộc dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2013 - 2015 với quy mô gồm một trâu đực giống và 12 trâu cái sinh sản.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Dự án thủy điện An Khê Ka Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tồn đọng, vướng mắc trong giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái định canh cho người dân vùng dự án như: Chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp trên có ngập lòng hồ Ka Nak. Chưa thực hiện xử lý giá trị chênh lệch đất sản xuất bị thu hồi (nơi đi) và giá trị đất sản xuất được giao mới (nơi đến). Việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho 3 hộ dân chậm. Chưa bố trí đủ diện tích đất tái định canh cho nhân dân vùng dự án.
Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên kết nạp được 3.077 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn vùng lên 181.309 đồng chí, tăng 11.350 đảng viên so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên có đạo tăng lên đáng kể. Hiện hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk hoàn thành trước hai năm về thực hiện mục tiêu “đến năm 2015, tất cả các buôn làng đều có tổ chức đảng” theo Kết lụân 12 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, qua tham dự sinh hoạt với 13 chi bộ cơ sở ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy: Mặc dù một số tỉnh đã thực hiện đạt chỉ tiêu 100% thôn, buôn có chi bộ, nhưng tại nhiều chi bộ khu dân cư có số lượng đảng viên quá ít, bình quân mỗi chi bộ có 4-6 đảng viên, trong đó có trên 50% đảng viên là số cán bộ của xã điều động, tăng cường về sinh hoạt đảng tại chi bộ thôn, buôn; số đảng viên là người tại địa phương chiếm tỷ lệ thấp.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội thảo “Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn vừa được tổ chức tại Cần Thơ. Tại hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một phần trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại khu vực, phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, gắn với cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: Từ nay đến năm 2020, toàn vùng ổn định sản lượng mỗi năm từ 24 - 25 triệu tấn lúa; từ năm 2020 - 2030 ổn định sản lượng mỗi năm 24 triệu tấn lúa. Mô hình canh tác chủ yếu là đa canh, luân canh, kết hợp với trồng các loại cây trồng cạn; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản để vừa duy trì sản lượng lúa, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân. Trên diện tích đất trồng từ 2 đến 3 vụ lúa, các tỉnh chuyển 112.000 ha sang trồng các loại cây cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước, nhằm thay thế nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu nành.
Đức Tưởng - Hồng Anh - Thế Đạt