Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 1: Nỗi niềm giáo viên ở bản

Mặc dù hiện nay Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ giáo viên công tác tại miền núi nhưng với những khó khăn mà họ đang phải đối diện thì họ cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

 

Băng rừng, vượt núi dạy học


Những giáo viên dạy chữ cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa hàng ngày đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và tinh thần quyết tâm, họ đã vượt qua tất cả để đóng góp không nhỏ trong sự phát triển giáo dục nước nhà.


 

Bữa ăn đạm bạc của thầy và trò Trường Tiểu học Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: CTV

 

Nói về những vất vả mà các thầy cô gặp phải, thầy Trần Thanh Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Thượng Nông, huyện Na Hang, Tuyên Quang, cho biết, điều kiện đường xá đi lại vô cùng vất vả. Nhiều nơi, thầy cô giáo cùng học trò phải lội qua suối để đến trường. Mùa nước lũ lên, nhiều lúc thầy và trò còn phải đối mặt với hiện tượng sạt lở núi. Mỗi giáo viên từ đồng bằng lên vùng cao dạy chữ đều phải học thêm ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của các thầy cô cũng chồng chất khó khăn. Không có điện, các thầy cô phải soạn bài vào giờ nghỉ trưa. Thậm chí, khi thiếu giáo viên, nhiều thầy cô còn phải “kiêm” hai lớp.


Tại trường tiểu học Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang (cách Hà Nội 450 km), thầy cô cùng học sinh đang phải dạy và học trong điều kiện “ăn không no”. Trường có 100 em học nội trú, tiền đi chợ cả ngày (niêm yết tại gian bếp) chỉ có 480.000 đồng. Tính ra, mỗi suất ăn của học sinh chỉ trị giá 4.800 đồng/bữa. Tại những ngôi trường ở vùng cao như thế này, thầy cô không chỉ lo việc học mà còn phải vào bếp nấu cơm cho học sinh.
Trường tiểu học và THCS Mồ Dề (Mù Cang Chải, Yên Bái) có 650 em học sinh nhưng lại phân tán trên 8 điểm trường. Ngoại trừ điểm trường chính đã được xây dựng theo dự án 135 khá khang trang thì 7 điểm trường còn lại đều trong tình trạng rất thiếu thốn. Dù vậy, các thầy cô vẫn kiên nhẫn hàng ngày đến trường, lên lớp. Thầy Hà Trần Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Toàn trường có hơn 40 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên ở miền xuôi lên giảng dạy. Với môi trường làm việc khó khăn, giữ được cho mình lòng yêu nghề, sự kiên nhẫn và tận tụy không phải là một điều dễ dàng”. Thầy Hồng cho biết thêm, giáo viên thường mang theo một ổ khóa, gặp những lúc đường đến trường dốc và lầy lội thì sẽ khóa xe lại bên gốc cây, rồi tiếp tục cuốc bộ đến trường.

 

Chật vật với đồng lương


Trong thời buổi giá các mặt hàng trên thị trường đều tăng thì đời sống của giáo viên chỉ sống bằng đồng lương, đặc biệt là các giáo viên vùng núi; lại càng khó khăn hơn. Theo Quyết định 244/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập thì giáo viên cấp 2, cấp 3 tại miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng thêm mức phụ cấp 35%. Cụ thể, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các trường cấp 2, cấp 3 tại miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có bậc lương 2,34 có thu nhập: (2,34 x 1.050.000 đồng) + (2,34 x 1.050.000 đồng x 35%) = 3.316.950 đồng.


Giáo viên dạy cấp 2, cấp 3 đã có bằng tốt nghiệp ĐH, công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm 70% mức ưu đãi đứng lớp và 70% phụ cấp thu hút. Như vậy, mức thu nhập của giáo viên có bậc lượng 2,34 là: (2,34 x 1.050.000 đồng) + (2,34 x 1.050.000 đồng x 70% x 2) = 5.876.800 đồng. Với phép tính đơn giản như trên, chúng ta có thể thấy thu nhập của giáo viên miền núi hiện nay khó đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của họ bởi ngoài chi phí cho bản thân, họ còn phải chăm lo cho gia đình, con cái. Hơn nữa, nếu như giáo viên miền xuôi có thể dạy thêm để có thêm thu nhập thì với giáo viên miền núi, học sinh đến lớp đầy đủ trong buổi học chính đã là niềm hạnh phúc lớn lao.


Ngoài vấn đề tiền lương thì việc thực hiện các chế độ chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP đối với cán bộ, giáo viên diện luân chuyển tại một số địa phương chưa được đẩy nhanh. Nhiều giáo viên có đủ điều kiện được luân chuyển nhưng vẫn chưa được về đồng bằng nên chưa tạo sự ổn định về tư tưởng cho giáo viên công tác tại miền núi. Mặt khác, việc phân bổ nguồn kinh phí chi trả cho các cán bộ giáo viên đã đủ thời gian công tác nhưng chưa luân chuyển, còn chậm.


Hoàng Dương - Phạm Hồng


Kỳ 2: Để giáo viên vùng khó gắn bó với nghề

Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 2: Để giáo viên vùng khó gắn bó với nghề
Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 2: Để giáo viên vùng khó gắn bó với nghề

Với nhiều giáo viên đang giảng dạy tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì việc điều chỉnh chế độ theo Nghị định 19/2013/NĐ - CP là nguồn động viên to lớn, giúp họ thêm gắn bó với công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN