Thu hoạch chè giúp nâng cao kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Trong đó có việc đưa vào trồng các cây chè, quế, sơn tra, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra các loại sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từng bước giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế bền vững.
Lai Châu là địa phương có lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp với 7,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Nhờ vận dụng hiệu quả chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt trong nông nghiệp. Đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, diện tích trồng cây lương thực có hạt gần 55.000 ha với sản lượng đạt 215 nghìn tấn; tuy nhiên mới chỉ đủ đảm bảo an ninh lương thực, giúp nông dân thoát nghèo. Người dân chưa thực sự làm giàu được nhờ cây lương thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết, tỉnh đã thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo phương châm phát huy tối đa tiềm năng, phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế, tập trung tạo sản phẩm hàng hóa lớn. Thực hiện chủ trương này, tỉnh Lai Châu đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân, trong đó có phát triển các cây: chè, quế, sơn tra. Khi đã có lộ trình, định hướng được các loại cây giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững, nhằm giúp người dân tiếp cận các loại cây này, các cấp chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực phổ biến về nội dung chính sách, cơ chế của chính sách, những lợi ích người dân được hưởng khi tham gia. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa bà con dân tộc đến những vùng trồng quế tại huyện Văn Yên (Yên Bái), vùng trồng chè tại huyện Tam Đường (Lai Châu) để tham quan, học hỏi. Tận mắt chứng kiến mô hình với hiệu quả cụ thể, nhiều bà con đã hiểu, tin tưởng, đồng lòng cùng các cấp chính quyền tham gia thực hiện chủ trương đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào triển khai.
Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đã khơi dậy sự hưởng ứng đồng lòng, nhiệt tình của bà con trong việc góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc. Đến nay toàn tỉnh có 5.005 ha chè, 4.216 ha quế, 1.627 ha sơn tra. Riêng năm 2017, tỉnh đã trồng mới 929 ha chè, 2.495 ha quế, 423 ha sơn tra. Ngoài ra, Tỉnh Lai Châu còn tập trung nghiên cứu một số cây trồng mới.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Hà Văn Um, mỗi năm, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp, trong đó có cây chè, quế, sơn tra. Đồng bào dân tộc sẽ được hỗ trợ giống, một phần kỹ thuật, phân bón, công làm đất, hỗ trợ chuyển đổi đất… để có điều kiện đầu tư triển phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, ở Lai Châu, cây chè được trồng lâu đời thu nhập bền vững; cây quế là cây lâm nghiệp đa mục đích trong đó ngoài phủ xanh đất trống đồi núi trọc, còn có giá trị kinh tế cao.
Huyện Than Uyên (Lai Châu) là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp với cánh đồng Mường Thanh lớn thứ 3 vùng Tây Bắc. Những năm gần đây, huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và đa canh nhiều loại cây trồng, hình thành các vùng thâm canh tập trung như: cây lúa, ngô, rau màu. Tuy nhiên, khi có chủ trương của tỉnh đưa cây quế, chè, sơn tra vào triển khai, huyện Than Uyên đã linh hoạt vận dụng, giúp người dân tiếp cận, đưa vào trồng các loại cây này. Đến nay, toàn huyện Than Uyên có 403 ha chè, 530 ha quế,100 ha sơn tra.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên chia sẻ: Nhờ đưa vào trồng các cây có giá trị kinh tế cao, đời sống của bà con dân tộc đã được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Huyện Than Uyên cũng có cơ chế tốt nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết với người nông dân trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, bà con dân tộc thiểu số có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.