Hiệu quả sau chuyển đổi ở lâm trường Buôn Ja Wầm

Sau khi sắp xếp, chuyển đổi từ Công ty Đầu tư - Phát triển Buôn Ja Wầm (Đắk Lắk) thành Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, đơn vị không những sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vốn rừng ngày càng tăng, quản lý bảo vệ rừng tốt hơn, mà đời sống của người lao động ngày một nâng cao, xứng đáng là “bà đỡ” cho một địa bàn ở vùng sâu, vùng xa.


Xác định rõ nhiệm vụ công ích


Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tiền thân là một lâm trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar). Sau khi chuyển đổi thành Công ty Lâm nghiệp, công ty được giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh gần 8.900 ha rừng, đất rừng. Dựa vào nguồn tài nguyên rừng, đất rừng, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã thành lập 5 đơn vị trực thuộc gồm: Lâm trường Buôn Ja Wầm, Xí nghiệp cà phê, Xí nghiệp dịch vụ thương mại, Xí nghiệp sản xuất phân bón vi sinh… với tổng số cán bộ, công nhân viên trên 80 người. Đặc biệt, Công ty đã xác định rạch ròi, tách bạch giữa Lâm trường với các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ để mỗi đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nguồn thu nhập lại được điều phối chung giữa các đơn vị từ quản lý bảo vệ rừng đến sản xuất cà phê, thương mại dịch vụ…

 

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tuần tra, bảo vệ rừng.

 


Lâm trường Buôn Ja Wầm được giao quản lý, bảo vệ gần 8.900 ha rừng, đất rừng, nằm trên địa bàn hai xã Ea Kiết, Ea Kuêh, với 9 tiểu khu. Diện tích rừng của Lâm trường giáp ranh với các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar nên tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy diễn ra hết sức phức tạp. Mặt khác, điều kiện đất đai, khí hậu ở khu vực Lâm trường khá thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê, cao su nên càng thu hút ngày càng đông đồng bào các dân tộc di cư ngoài kế hoạch đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Để khắc phục tình trạng này, công ty đã thành lập 6 trạm quản lý bảo vệ rừng, với 22 cán bộ, công nhân viên chuyên trách ngày đêm tuần tra, bảo vệ, trực 24/24 giờ để giám sát, theo dõi từng lô, khoảnh, tiểu khu rừng.


Không chỉ giữ rừng tự nhiên, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm còn đầu tư tổ chức trồng mới lại rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. Theo báo cáo của Công ty, từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp đã trồng mới được 240 ha rừng tập trung, chủ yếu là keo lai dâm hom, với mật độ 2.000 cây/ha tại các tiểu khu 550, 551, 546, 547A, 556.


Xứng đáng “bà đỡ” trên địa bàn vùng sâu


Ngay từ khi mới chuyển thành công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp, bên cạnh nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, công ty đã vay vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh 400 ha cà phê, 77 ha cao su, mở rộng ngành nghề sản xuất phân bón vi sinh, dịch vụ thương mại, chế biến nông sản… Đặc biệt, đối với vườn cà phê, cao su, công ty đều tổ chức giao khoán hợp lý, có đầu tư vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới và bao tiêu sản phẩm cho người nhận khoán... Qua đánh giá, vườn cà phê kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm của công ty đều đạt loại A và loại B, không có loại C.

 

Hộ gia đình anh Lê Văn Chương, ở thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar nhận trồng cà phê liên kết với Công ty, mỗi năm thu nhập thêm hàng chục triệu đồng. Trong ảnh: Anh Chương đang tưới nước đợt 2 cho cà phê.

 

Niên vụ cà phê 2013- 2014, các hộ nhận khoán đã giao nộp cho công ty được trên 800 tấn cà phê (đạt gần 100% kế hoạch), với thu nhập gần 7,5 tỷ đồng… Chỉ riêng năm 2013, công ty đã đạt tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 400 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi cán bộ, công nhân viên đạt trên 5,8 triệu đồng/tháng. Cũng chính có nguồn thu nhập ổn định và phát triển từ các ngành nghề nên công ty đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng.


Đặc biệt, là doanh nghiệp Nhà nước đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong mấy năm qua, công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã phối hợp chặt chẽ với xã, huyện hỗ trợ đất sản xuất, đất ở để tạo điều kiện cho trên 1.700 hộ đồng bào định canh định cư, phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động trong vùng.

Công ty cũng đầu tư trên 10 tỷ đồng giúp đồng bào các dân tộc trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, nhất cà phê, cao su để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công ty còn đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia về tận hộ gia đình, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi, biến một vùng hoang vu trước đây nay trở nên trù phú, sầm uất, nhiều hộ gia đình đồng bào có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng…


Theo đánh giá của ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, sau khi chuyển đổi, công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm không những làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả mà còn xứng đáng là “bà đỡ” của một doanh nghiệp Nhà nước đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty còn đóng góp tích cực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt chương trình định canh định cư, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Bài và ảnh:Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN