Sự kiện trên do Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức, với mục đích tập hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương “Make in Vietnam” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam vào tháng 6 vừa qua.
Phát biểu trước hàng trăm trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm đã lý giải ý nghĩa của “Make in Vietnam” là “tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh được sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, do Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.
Để hiện thực hóa chủ trương này, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cam kết đảm bảo một môi trường thể chế, chính sách minh bạch, lành mạnh nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nhân Việt Nam, cộng đồng các nhà khoa học, trí thức Việt Nam trên toàn thế giới cùng chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Đối với Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Thứ trưởng hy vọng diễn đàn sẽ giúp hình thành các tư duy mới, những giải pháp độc đáo và phù hợp với thực tiễn Việt Nam để hiện thực hóa xã hội thông tin 5.0, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số ở Việt Nam, và đặc biệt là mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp cho đất nước.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản trong những năm gần đây, cũng như sự ra đời của Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ).
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng nhấn mạnh diễn đàn này là "câu trả lời của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản trước lời hiệu triệu của Chính phủ và các bộ, ban, ngành về kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sẵn sàng đóng góp vào việc thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và giúp “Make in Vietnam” thành công".
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế độc lập Phạm Chi Lan đã chỉ ra những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thực hiện chủ trương “Make in Vietnam”. Bà Phạm Chi Lan cho rằng để thực hiện khát vọng “trở thành nước thu nhập trung bình cao, hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035”, Việt Nam cần thực hiện 6 chuyển đổi gồm: Hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và giáo dục, đào tạo; Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và các vùng khác; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế; Xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề cụ thể liên quan tới việc thực hiện chủ trương “Make in Vietnam” như trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ thông tin ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong lĩnh vực y tế, vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về các hướng đi của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và những giải pháp giúp phát huy chất xám của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.