Dòng kênh Vĩnh Tế - con kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia bốn mùa xanh trong êm đềm chảy. Đời sống đồng bào hai bên bờ kênh bao đời nay vẫn bình dị, chất chứa nghĩa tình như dòng nước, con kênh đỏ nặng phù sa, tưới mát ruộng đồng. Bên dòng kênh này, có một người phụ nữ hàng ngày cứ lặng lẽ bên mảnh vườn, thửa ruộng; lặng lẽ với biết bao công việc không tên của một công dân có ý thức vì chủ quyền quốc gia, dân tộc…
Bà tên Lê Thị Cầm, sinh ra và lớn lên ở ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1980, bà lập gia đình rồi theo chồng sang bên kia biên giới, sinh sống tại ấp Pi Tà Lê, xã Pi Tà Lê, huyện giáp biên Kam Trách, tỉnh Kam Pốt - Vương quốc Campuchia. Cả hai gia đình từ bao đời nay có ruộng đất giáp nhau, cùng lao động, sản xuất ngay dưới chân cột mốc chủ quyền 295. Hàng ngày, ngoài việc đồng áng, bà thường xuyên đi về hai bờ biên giới…
Ký kết nghĩa giữa ấp Mỹ Lộ và Pham Tho Câu. |
Hơn nửa đời người làm ruộng, đặt trúm bắt lươn, giăng câu, thả lưới bắt cá, hàng ngày đi lại, sống ngoài đồng, trú mưa, nắng dưới chân cột mốc nhiều hơn ở nhà nên bà quen thuộc từng nhành cây, cọng cỏ, thuộc từng lối mòn, con mương trên vùng biên giới. Ai quen, ai lạ, ai là người ngay, kẻ xấu bà đều biết rõ. Do thông thạo cả hai thứ tiếng Việt - Khmer, hiểu tường tận phong tục, tập quán của đồng bào hai dân tộc, ý thức, trách nhiệm về chủ quyền quốc gia đã ngấm sâu vào máu thịt của bà.
Bên cạnh việc cùng những nông dân trong khu vực tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc giới, xây dựng nông thôn mới, tham gia tố giác tội phạm, bà còn là "trung tâm" hòa giải những mâu thuẫn, mối bất hòa trong một bộ phận quần chúng, nhân dân. Trên quê mình hay bên quê chồng, nếu có gia đình nào xảy ra xích mích, mâu thuẫn, bà liền tìm tới. Với những tình cảm, lời lẽ chân chất, mộc mạc, bà đã động viên họ, gắn kết những vết rạn nứt gia đình, họ tộc, nối lại tình làng, nghĩa xóm, làm cho những đôi vợ chồng trẻ gặp chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trở nên vui vẻ, thuận hòa, đầm ấm…
Giao lưu văn hóa giữa thanh niên Giang Thành và tỉnh Kampot. |
Bà Cầm còn thuyết phục các gia đình giáo dục con cháu không lợi dụng trong lúc làm đồng, chặt phát cây cối, bắt cá, trộm lúa khoai của bà con, nhờ đó những năm qua việc mất cắp, hay những vụ việc nảy sinh trên vùng biên được hạn chế. Nhiều dấu hiệu vi phạm, mất an ninh, trật tự, tệ nạn số đề, đánh bài, chơi hụi được dẹp bỏ. Chỉ với lòng nhiệt tình, lời lẽ chân thành mà nhiều vụ việc phức tạp trong ấp, trong xã được bà Cầm và dân trong vùng tự giải quyết ổn thỏa, không phải nhờ đến chính quyền... Từ những việc làm vì cộng đồng, vì lợi ích dân tộc, quốc gia, dần dần bà đã có được nhiều cảm thông của bà con và dần nhận ra việc làm chưa đúng, rồi cùng tham gia công việc đoàn kết khu dân cư, cùng chung tay tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia tố giác tội phạm, giáo dục con cháu mình trở thành người tốt, có ích cho xã hội…
Trong những năm qua, chỉ với việc làm hàng ngày là đi đồng, thăm họ hàng hai bên, bà Cầm đã kịp thời phát hiện báo cho Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn hàng chục nguồn tin có liên quan đến chủ quyền hai bên biên giới. Bà đã động viên, thuyết phục và hướng dẫn cho hàng ngàn lượt người dân hai bên biên giới qua lại làm ăn, thăm thân đúng quy định; động viên, hàn gắn cho hơn 20 cặp vợ chồng có mâu thuẫn trong gia đình. Bà Cầm cũng tham gia giải thích, chỉ ra cái đúng, cái sai trái cho nhiều hộ gia đình trong tranh chấp ranh đất, làm ăn, mua bán…; cảm hóa hàng chục đối tượng buôn lậu, hay những trẻ có dấu hiệu trộm cắp, vi phạm hiện trạng vùng biên…
Bà Lê Thị Cầm, một phụ nữ xuất thân từ gia đình nông dân, chưa từng được tham gia một tổ chức xã hội nào, chỉ biết quanh năm cần lao, làm ra hạt gạo nuôi sống gia đình, thế nhưng bà luôn có ý thức vì cộng đồng, vì chủ quyền biên giới, vì quốc gia dân tộc, là "trung tâm" đoàn kết bà con hai bờ biên giới, đã làm cho nhiều người kính trọng và nể phục.
Từ khi hai nhà nước Việt Nam - Campuchia có chủ trương tạo điều kiện để chính quyền và nhân dân hai bên biên giới ký kết nghĩa với nhau, thì “núi càng liền núi, sông lại liền sông”, tình cảm đồng bào, đồng chí hai bên biên giới lại càng keo sơn, gắn bó hơn. Dọc hai bên bờ kênh Vĩnh Tế lại xuất hiện ngày càng nhiều những người dân có suy nghĩ và hành động như bà Lê Thị Cầm. Đây chính là khởi nguồn cho dòng Vĩnh Tế muôn đời xanh trong êm đềm chảy, như vun đắp tình hữu nghị, thủy chung giữa hai nước Việt Nam - Campuchia vững bền…
Bài và ảnh: Lê Sen