Giữ gìn nghề nhuộm của người Sán Chay

Mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều có những bộ trang phục riêng cho mình. Từ xa xưa khi công nghiệp chưa phát triển, mỗi tộc người đã có những sáng tạo trong việc nhuộm vải để tạo nên trang phục cho mình. Và người Sán Chay bằng sức lao động, tính cần cù và tỉ mỉ của mình đã sáng tạo nên những mảnh vải nâu với màu sắc tinh tế mang đậm hồn dân tộc.


Người Sán Chay ở huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên cũng giống như các nơi khác, dùng một loại củ có tên củ nâu để nhuộm vải. Ông Hoàng Văn Cương, 54 tuổi, sống tại xóm Khuân U, xã Nam Mao, huyện Đại Từ, cho biết: Để tạo ra những mảnh vải nâu đẹp, phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và khéo léo. Có 2 loại củ nâu: Nâu dây và nâu đống, đều dùng để nhuộm vải.


Người Sán Chay chọn những củ nâu nhẵn, đẹp vì đó là củ già. Khi đã có sẵn củ nâu, người dân gọt sạch vỏ, rửa sạch, thái mỏng cho vào cối giã nát cho đến khi nhuyễn sau đó đổ ra chậu, đổ nước ngâm và phơi nắng. Lượng củ và nước tùy thuộc vào số lượng vải cần nhuộm. Đây là công đoạn quan trọng khi nhuộm, giã càng kĩ, lọc càng sạch thì sản phẩm vải nhuộm càng tươi màu và đẹp.


Pha chế nước nâu để nhuộm vải.


Sau khi ngâm củ nâu khoảng 10 ngày, nâu nổi lên nhiều bọt thì bắt đầu lọc. Họ dùng rổ rá hoặc vải thưa lọc nhiều lần đến khi không còn vẩn đục. Nước nâu đã sạch, họ cho nước vôi trong vào hòa chung với tỷ lệ 1/100. Vải dùng để nhuộm là loại vải mộc được làm từ sợi bông cán, có màu trắng sữa. Khi đã vò sạch và ngấm đủ nước thì vắt ráo và bắt đầu công đoạn nhuộm. Thả từ từ vải mộc vào dung dịch nước nâu cho đến khi vải ngập. Sau đó vắt khô và cho ra phơi nắng. Làm liên tục nhiều lần để vải đều màu.


Giặt sạch vải trước khi nhuộm.

Công đoạn nhuộm vải nâu của người Sán Chay.


Khi phơi vải cần chọn chỗ nắng, phơi vải trên mặt phẳng sao cho diện tích tiếp xúc của nắng với vải là lớn nhất. Nắng càng to thì vải lên màu càng đẹp và sáng. “Nếu muốn có vải màu đen, chỉ cần mang vải nâu mới ngâm vào bùn là vải chuyển sang màu đen ngay”, ông Cương cho biết thêm. Thế hệ thanh niên Sán Chay ngày nay do ít quan tâm nên không nắm được kỹ thuật nhuộm, thậm chí không biết dân tộc mình có truyền thống nhuộm nâu. Những người nắm vững cách nhuộm nâu bây giờ đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, trong đó có cụ Phương Văn Vạn, 106 tuổi, người nắm nhiều kinh nghiệm nhuộm vải nâu.

Khi phơi vải cần chọn chỗ nắng.


Cách tạo ra trang phục của mỗi dân tộc là kết tinh văn hóa lâu đời của dân tộc đó. Cũng giống truyền thống nhuộm nâu của nhiều dân tộc khác, việc gìn giữ và bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống trong nhuộm vải của người Sán Chay đang dần bị mai một. Đặc biệt là trong thời buổi công nghiệp hóa, hàng may sẵn và các sản phẩm vải trở nên đa dạng, dễ tìm. Chỉ chạnh lòng vì một nhẽ: Nếu nghề truyền thống của người Sán Chay mai một trong tương lai, thì các thế hệ con cháu sau này rất có thể sẽ không được chiêm ngưỡng những bộ trang phục tinh tế, giản dị từ vải nâu mà người Sán Chay đã dày công tìm tòi tạo nên.

Bài và ảnh:Nguyễn Thị Lành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN