“Giỏ hoa thời mới lớn” gồm 138 bài, được gạn lọc từ những bài thơ từng xuất hiện ở thời kỳ Du Tử Lê mới bắt đầu làm thơ, trong đó, đa số là các bài thơ đã được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như: Khúc Thụy Du, Tình sầu Du Tử Lê, Trên dấu tình sầu, Kiếp sau, Xin giữ lại đời cho nhau (Ơn em), Về từ vô vọng…
Hơn nửa thế kỷ làm thơ, thơ của Du Tử Lê thay đổi theo thời gian, nhưng âm điệu, ngắt nhịp, và lời thơ tuôn trào, lúc nỉ non, khi quằn quại chua xót một cách rất “đặc trưng” Du Tử Lê thì dường như không thay đổi. Những lời ca, âm điệu như có ma lực hút hồn người đọc. Cùng ngữ điệu phong phú đó, trong thơ ông luôn tràn ngập hình ảnh núi, song, biển, hoa trái, chim muông… và lời thì thầm tâm sự, nên thơ ông có sức cuốn hút đặc biệt đối với mọi người, nhất là các nhạc sỹ.
Đọc “Giỏ hoa thời mới lớn”, người ta thấy một “Khúc Thụy Du” của một thời xa lắm theo thể ngũ ngôn: “như con chim bói cá/ tôi lặn sâu trong bùn/ hoài công tìm ý nghĩa/ cho cảnh tình hôm nay”.
Hoặc những hình ảnh gợi hình, gợi cảm, gợi cả những bâng khuâng trong thơ Du Tử Lê như: “em rầu rầu sương cỏ/ hồn mưng mưng mây mù/ mắt bơ phờ cõi nhớ” (Về từ vô vọng)
Hoặc những lời ca gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu, có thể “giết” chết những tâm hồn nhạy cảm đang nhớ thương đầy vơi trong suy tưởng: “người không về nên tôi chẳng buồn đi/ bao nhiêu dự tính có ra gì/ bèo trôi từng lớp trên lưng sóng/ tôi quá chân rồi tôi giết tôi” (Khi người về), “chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/ bàn tay dư mấy ngón chia phôi!/ (tặng nhau ngón chính không đeo nhẫn)/ và, những chia phai đầy tuổi tôi./ chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/ như trời nhớ đất (rất xa xôi)/ nắng mưa nhớ mãi hàng hiên, đợi/ nhưng nhớ hồi âm. lệ nhớ môi” (Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi)
Du Tử Lê có hơn 300 bài thơ được phổ nhạc, trở thành một trong những nhà thơ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất và được nhiều thế hệ người nghe yêu mến. “Giỏ hoa thời mới lớn” như một tấm lòng tri ân của tác giả gửi đến bạn đọc.
C.Đ