Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 4 chủ đề chính gồm: Những hướng dẫn để đánh giá giảm thất thoát và lãng phí lương thực; chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp của khu vực tư nhân để giảm lãng phí lương thực; xem xét, rà soát các dự án của APEC về giảm thất thoát và tổn thất lương thực và thảo luận về chủ đề “Làm thế nào để tăng cường nhận thức và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững số 12.3: Thông điệp chính về chính sách và kế hoạch hành động”.
Các đại biểu tham dự và thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), hiện nay, trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. FAO cũng ước tính, mỗi năm có 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí, tương đương 1,3 tỉ tấn, với trị giá gần 750 tỉ USD mỗi năm. Nếu cắt giảm thất thoát và lãng phí lương thực xuống con số 0 thì có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỉ người. Chưa kể rác thải thực phẩm còn tác động xấu đến môi trường khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một phần diện tích đất rừng.
Phần lớn lương thực thất thoát xảy ra trong quá trình sau sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, có liên quan mật thiết đến thiếu cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, trong khi lãng phí lương thực lại chủ yếu là vấn đề ở khâu marketing và tiêu thụ ở các nước phát triển hơn.
Trong các Tuyên bố APEC về an ninh lương thực vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2016, vấn đề giảm thất thoát và lãng phí lương thực đã được nhấn mạnh và cần được thực hiện để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC. Một trong những mục tiêu của Lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2020 là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực so với mức thất thoát năm 2011-2012.
Theo bà Gong Xifeng, Trưởng nhóm công tác hợp tác kỹ thuật nông nghiệp APEC (ATCWG), thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề chung, có tầm quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy cần phải kết hợp các nguồn lực công - tư sẵn có của các nền kinh tế APEC để tìm ra cách thức phù hợp giảm tổn thất và lãng phí lương thực trong toàn chuỗi.
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng: Ở các nền kinh tế đang phát triển, những hạn chế về cơ sở vật chất và tác động của biến đổi khí hậu là những yếu tố chính gây thất thoát và lãng phí lương thực. Vì vậy, cần phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông sản phẩm, và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và người tiêu dùng để giảm thất thoát và lãng phí lương thực.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Đại học Cần Thơ sẵn sàng trao đổi, hợp tác với các đối tác quốc tế về việc thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, với mong muốn nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng công nghệ giảm thất thoát và lãng phí lương thực, cũng như tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đối tác đến từ khu vực công, tư, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà quản lý và hoạch định chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu về an ninh lương thực của APEC.