Bên lề buổi họp báo về tình hình dịch bệnh do virút Ebola, diễn ra ngày 12/8, tại Hà Nội, ông Kato Masaya, Điều phối viên bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch.
Thưa ông, xin ông cho biết những đánh giá về nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của dịch bệnh do virút Ebola gây ra?
Nguy cơ lây nhiễm virút Ebola tại Việt Nam rất thấp bởi hiện nay, Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm Ebola nào được báo cáo. Trong khi đó, việc lây truyền virút Ebola chỉ thông qua 2 con đường: Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người hoặc động vật bị nhiễm virút Ebola. Cụ thể, virút Ebola chỉ lây trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm virút có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong, động vật nhiễm virút; hoặc là lây gián tiếp qua tiếp xúc với dịch xét nghiệm, nước mắt, nước tiểu, máu vương ra môi trường (bàn, giường chiếu, quần áo...) và lây qua sữa mẹ nếu người mẹ mắc bệnh.
Đến nay, dịch Ebola chỉ bùng phát tại 4 nước Tây Phi (Ghinea, Nigeria, Liberia, Sierra Leone). Việc lây nhiễm chỉ xảy ra khi người nhiễm virút có biểu hiện bệnh và cũng chưa có bằng chứng bệnh dịch này lây qua đường hô hấp.
Với thực tế này, thì tại thời điểm hiện nay, Việt Nam nên tập trung vào hoạt động giám sát tại các cửa khẩu hay giám sát tại cộng đồng, thưa ông?
Cả hai biện pháp giám sát tại cửa khẩu và cộng đồng đều quan trọng. Cửa khẩu là nơi đầu tiên đón tiếp hành khách, trong đó có người đi đến từ vùng dịch; do đó, cần theo dõi, giám sát để phát hiện, kịp thời điều trị và ngăn chặn dịch bệnh lây lan nếu phát hiện những người có triệu chứng nhiễm virút Ebola. Tuy nhiên, việc giám sát cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì thời gian ủ bệnh do nhiễm virút Ebola là 21 ngày, việc giám sát tại cửa khẩu hoàn toàn có thể để lọt những trường hợp đã nhiễm virút nhưng chưa có triệu chứng mắc bệnh. Cần phải làm tốt việc giám sát những người đi về từ vùng dịch tại cộng đồng, cung cấp cho họ những thông tin cần thiết để họ liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng mắc bệnh.
Phòng an toàn sinh học cấp 3 của Việt Nam chưa đủ điều kiện để xét nghiệm chẩn đoán virút Ebola (phải cần tới phòng an toàn sinh học cấp 4). Vậy theo ông, mong muốn triển khai xét nghiệm virút Ebola tại Việt Nam có khả thi không?
Quyết định có nên triển khai việc xét nghiệm, chẩn đoán virút Ebola tại Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, WHO cũng sẽ có những đánh giá về việc Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện việc xét nghiệm chẩn đoán virút Ebola hay không.
Trong trường hợp Việt Nam quyết định không triển khai hoạt động này, thì WHO sẽ sẵn sàng hỗ trợ trong việc chuyển mẫu tới các trung tâm xét nghiệm quốc tế. Còn nếu Việt Nam vẫn mong muốn triển khai xét nghiệm chẩn đoán virút Ebola thì WHO cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật.
Cũng cần phải xác định rằng việc quyết định triển khai hoạt động xét nghiệm virút Ebola là một vấn đề rất quan trọng. Trước khi đi đến quyết định ngành y tế Việt Nam cần phải có đánh giá đầy đủ về mức độ bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế và cộng đồng; xem xét tất cả các vấn đề như: Trang thiết bị tại phòng xét nghiệm, quy trình xét nghiệm chuẩn, trình độ của cán bộ y tế… Bên cạnh đó, do virút Ebola có khả năng lây truyền cao nên việc lấy mẫu cũng phải tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt, nhân viên y tế cần phải được tập huấn kỹ lưỡng và có đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)