Tỉnh Sơn La có đường biên giới tiếp giáp với Lào dài hơn 274 km, đi qua 6 huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã và Sốp Cộp. Những năm qua, tình trạng di cư tự do, kết hôn không giá thú giữa cư dân hai bên biên giới vẫn còn tồn tại.
Chị Mùa Thị Mụa sinh ra ở Lào, nhưng lấy chồng tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu gần 10 năm nay. Hai vợ chồng đã có 2 con, nhưng chị vẫn chưa có quốc tịch. Không những thế, việc đăng ký kết hôn của hai vợ chồng cũng chưa được thực hiện. Cùng với không có quốc tịch, chị cũng không được nhập hộ khẩu vào nhà chồng. Vì vậy, chị không được cấp thẻ bảo hiểm y tế hay các giấy tờ tùy thân khác.
Chị Mùa Thị Mụa chia sẻ, gần 10 năm nay về làm dâu ở bên này được chồng và mọi người trong gia đình cũng như bà con trong bản thương yêu, quý mến. Tuy nhiên, do không chính thức được công nhập là vợ chồng hợp pháp nên chị rất muốn được nhập Quốc tịch Việt Nam để được hưởng các chính sách của Nhà nước.
Bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập giáp với cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Từ lâu, bà con hai bên biên giới đã có truyền thống gắn bó, đoàn kết trong đời sống. Chính vì vậy, ở bản Phiêng Cài có 80 hộ dân thì đến 30 cặp vợ chồng kết hôn không giá thú. Sau nhiều năm mong mỏi, chờ đợi, vừa qua các công dân Lào, trong đó chủ yếu là phụ nữ đã được công nhận là công dân Việt Nam. Điều này đã đem lại niềm vui không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn là niềm vui chung của cả bản.
Trưởng bản Phiêng Cài Tráng A Tủa cho biết, từ đời cha ông, khi con trai trong bản đủ tuổi lấy vợ thì thường sang nước bạn Lào để tìm hiểu và lập gia đình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì chưa được công nhận là công dân hợp pháp. Vì vậy, việc được cho nhập quốc tịch Việt Nam là điều mong mỏi từ lâu của các cặp vợ chồng sinh sống trong bản. Khi đã được nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam những người này sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ như mọi người khác trong bản. Từ nay, mọi người sẽ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Vừa qua, Mộc Châu là huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La tổ chức Lễ công bố và trao quyết định cho nhập Quốc tịch Việt Nam đối với 88 công dân Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu cho biết, để thực hiện “Thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới”, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Sơn La lập hồ sơ người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú tại 3 xã Lóng Sập, Chiềng Sơn và Chiềng Khừa. Trong thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền, vận động công dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của huyện.
Vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại nhiều năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận dân cư của tỉnh này cư trú, sinh sống trên lãnh thổ của tỉnh kia, nhưng lại không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch. Để xử lý vấn đề này, ngày 8/7/2013, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.
Tại Sơn La, Sở Tư pháp đã phối hợp với Tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh và các địa phương có chung đường biên giới với nước Lào rà soát, thống kê theo dõi việc di cư tự do, kết hôn không giá thú giữa công dân Việt Nam và công dân nước Lào. Hướng dẫn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã chủ động thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho những trường hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới còn nhiều hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, quốc tịch và đăng ký thường trú; trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam chưa được đăng ký khai sinh kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người nước ngoài, người không quốc tịch chưa được nhập Quốc tịch Việt Nam nhưng đã được đăng ký thường trú, cấp chứng minh nhân dân còn nhiều.
Qua rà soát theo danh sách được phê duyệt, tỉnh Sơn La vẫn còn 24 trường hợp kết hôn không giá thú chưa lập hồ sơ nhập Quốc tịch Việt Nam, do thời điểm kết hôn sau ngày ký Thỏa thuận (8/7/2013) nên việc nhập quốc tịch phải thực hiện theo thủ tục thông thường quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam.
Ông Quàng Hồng Phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, tỉnh đã trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt 350 trường hợp, trong đó có 11 trường hợp di cư tự do, 339 trường hợp kết hôn không giá thú. Sau khi được phê duyệt, đã có 294 công dân đủ điều kiện nhập quốc tịch đang sinh sống tại các huyện biên giới. Tổ công tác của tỉnh đã phối hợp với các huyện biên giới trực tiếp xuống các xã có người di cư tự do, kết hôn không giá thú để hướng dẫn lập hồ sơ xin nhập quốc tịch cho các trường hợp đủ điều kiện nhập Quốc tịch Việt Nam. Đến ngày 14/8/2019, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1372/QĐ-CTN về cho phép nhập Quốc tịch Việt Nam đối với 294 công dân Lào hiện đang cư trú tại tỉnh Sơn La.
Trong thời gian tới, các huyện biên giới tiếp tục rà soát những trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú trước ngày 8/7/2013. Đồng thời, thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký nhập hộ khẩu cho các công dân; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các cá nhân được nhập quốc tịch đợt này; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho công dân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng và các huyện biên giới quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh của công dân Lào và công dân Việt Nam trong vùng biên giới hai nước, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Trưởng phòng quản lý quốc tịch, Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, Sơn La là một trong 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào. Trong quá trình triển khai thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ, tỉnh Sơn La đã nỗ lực phối hợp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào) để rà soát, thống kê và lập danh sách để trình Trưởng Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt. Gần 300 công dân Lào ở Sơn La được nhập quốc tịch là những người có đơn xin nhập Quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng các điều kiện như: Tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có nhà ở, canh tác ổn định, không vi phạm pháp luật và có tên gọi Việt Nam. Việc các công dân Lào được nhập Quốc tịch Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với người di cư tự do và kết hôn không giá thú từ Lào sang Việt Nam, là dấu mốc trong tình hữu nghị Việt Nam và Lào.