Cuộc khủng hoảng tại Ukraine rất có thể sẽ chuyển sang một nấc nguy hiểm mới, sau khi chính quyền Kiev quyết sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình ở miền đông. Trong khi đó, triển vọng “hội nghị bốn bên” vẫn mờ mịt do giữa các nước còn tồn tại những khoảng cách lớn về quan điểm.
Quyết “chống khủng bố”
Phát biểu trước quốc hội ngày 15/4, Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksander Turchinov tuyên bố, một chiến dịch chống khủng bố đã được triển khai tại miền bắc Donetsk vào sáng sớm cùng ngày, nhằm mục đích mà Kiev gọi là “để bảo vệ công dân Ukraine, chấm dứt khủng bố, tội phạm cũng như ý đồ làm tan rã Ukraine”. Cơ quan An ninh Ukraine tuyên bố người biểu tình nếu không hạ vũ khí sẽ bị tiêu diệt. Trong khi đó, tiểu đoàn Vệ binh quốc gia đầu tiên đã được phái tới miền đông để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh.
Xe thiết giáp Ukraine chở quân xuất hiện ở Donetsk hôm 15/4. Ảnh: AFP |
Tại hiện trường, các phần tử thuộc phong trào cực hữu đã mở cuộc tấn công vào trụ sở Đảng Cộng sản Ukraine ở thành phố đông bắc Sumy, trước đó là ở thành phố Rovno. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn quyết không lùi bước trước sức ép vũ lực. Họ gia cố rào chắn trên các tuyến đường dẫn vào các trụ sở cảnh sát ở Donetsk. Cờ Nga và cờ nước Cộng hòa nhân dân Donetsk vẫn cắm trên nóc các trụ sở cơ quan công quyền.
Tại thành phố Gorlovka cũng ở Donetsk, thị trưởng nhân dân Aleksandr Sapunov nói với phóng viên hãng tin RIA Novosti rằng chính quyền sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc độc lập cho vùng Donetsk trước ngày 11/5 tới.
Trong một diễn biến khác, đại diện một số đảng phái trong quốc hội Ukraine đã đề nghị họp kín về tình hình bất ổn tại miền đông, đồng thời kêu gọi chính quyền không sử dụng vũ lực chống người biểu tình. Phát biểu trước báo giới tại Kiev, tỉ phú Petro Poroshenko, một ứng cử viên tổng thống sáng giá tuyên bố: Cần thúc đẩy đối thoại trực tiếp để người dân thấy được rằng không có bất kỳ một mối đe dọa nào nhằm vào họ. Cư dân miền đông phải được quyền lựa chọn ngôn ngữ cho riêng mình và các hội đồng địa phương sẽ là người quyết định.
Bất đồng trước hội nghị bốn bên
Phải cung cấp vũ khí cho Ukraine để họ tự vệ - đó là tuyên bố của thượng nghị sĩ Mỹ John McCain khi đang ở thăm Estonia và được hãng tin Itar - Tass trích dẫn ngày 15/4. Ông McCain cáo buộc Nga đã có hành động “khiêu khích” phương Tây khi can dự, gây bất ổn ở miền đông, thậm chí là cả ở miền nam Ukraine.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: Việc chính quyền Ukraine sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình và kêu gọi Liên hợp quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine là “không thể chấp nhận”. Những hành động “tội ác” như vậy sẽ gây tổn hại đến kế hoạch tổ chức cuộc gặp bốn bên Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine vào ngày 17/5 tới tại Geneva (Thụy Sỹ).
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thậm chí cho rằng chiến dịch dùng vũ lực chống biểu tình của Ukraine đang đẩy nước này đến bờ vực nội chiến.
Trước đó, Tổng thống Nga và Mỹ đã có cuộc điện đàm bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy là cuộc tiếp xúc đầu tiên trong hơn nửa tháng qua, nhưng hai bên vẫn cho thấy nhiều khác biệt lớn. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình ở khu vực đông - nam Ukraine nổ ra là do chính quyền Ukraine “không muốn và không có khả năng quan tâm tới những lợi ích của người Nga và người nói tiếng Nga”. Ông kêu gọi Tổng thống Barack Obama “sử dụng tối đa” mọi khả năng mà Mỹ có để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu ở Ukraine.
Trong khi đó, phía Mỹ cho biết Tổng thống Obama đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về việc Nga “hậu thuẫn” các hành động vũ trang, hỗ trợ các nhà hoạt động đòi liên bang hóa. Mỹ và các đồng minh châu Âu theo dõi sát sao mọi diễn biến ở miền đông Ukraine và sẽ có phản ứng thỏa đáng nếu Nga leo thang can dự.
Về phần mình, Ukraine ngày 15/4 khẳng định không bàn vấn đề nội bộ tại cuộc họp bốn bên. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Yurii Klymenko cho biết mục đích chính của cuộc họp là tìm biện pháp thực sự để xuống thang tình hình, đồng thời kiên quyết không bàn chuyện liên bang hóa Ukraine.
Hoài Thanh