Giấc mơ thoát nghèo đã rất gần

Dự án phát triển kinh tế - xã hội dành cho bốn dân tộc rất ít người là cơ hội để đồng bào dân tộc Cống của tỉnh Điện Biên đổi đời.


Nghèo đói đeo bám


Đến bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên mới cảm nhận hết những khó khăn của người dân nơi đây. Dân bản Púng Bon 100% là đồng bào Cống, nằm cách trung tâm xã Pa Thơm hơn 3 km đường mòn dân sinh, cây dại mọc kín hai bên. Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm, Lò Văn Nhúng, cho biết, rất may mấy ngày nay trời nắng ráo, đường không lầy lội, nước khe không đổ xuống nhiều, mới đi được xe máy như thế này. Dừng xe trước cầu treo bắc qua sông Nậm Rốm, Nhúng bảo tôi xuống đi bộ vào bản. Chiếc cầu treo cũ chòng chành theo từng bước chân tôi.


Sẽ không còn cảnh phải đi cõng từng chai nước về dùng như thế này.

 

Nhiều gia đình trong bản vẫn đang sinh sống trong những ngôi nhà khoảng 20 - 30 m2 dựng tạm bợ trên một khoảnh đất nhỏ hẹp, chênh vênh, không có diện tích để bố trí các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, hay ao vườn sản xuất. Khái niệm nước sạch để sinh hoạt vẫn còn là điều xa lạ với nhiều hộ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn này. Cả bản có hơn 200 người mà chỉ có một vòi nước tự chảy, còn bể nước được Chương trình 135 xây dựng từ đầu giai đoạn I đã bị hỏng từ nhiều năm nay, đang để cho cây dại phủ kín.


Trò chuyện với chúng tôi, chị Quàng Thị Biên, một người dân của xã, cho biết, gia đình chị chỉ có một khoảnh ruộng gần 1.000 m2, lại chỉ làm được một vụ, nên dù được mùa cũng chỉ đủ ăn trong 5 tháng, những tháng còn lại phải trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước hoặc lên rừng mưu sinh qua ngày.
Cách Púng Bon gần 250 km, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cũng không khá hơn Púng Bon là mấy. Đường vào bản chỉ hơn 1 km, nhưng xuống cấp trầm trọng. Mặc dù cả tuần trước trời nắng hanh, nhưng nhiều đoạn vẫn nhầy nhụa bùn với nước. Hầu hết các hộ trong bản đều chưa có nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi. Ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè cho biết: “Bản có 279 người, trong đó có trên 90% là dân tộc Cống, còn lại là dân tộc khác lấy chồng là người của bản. Do tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, nên việc vận động bà con dân tộc Cống trên địa bàn xã ăn ở vệ sinh gặp rất nhiều khó khăn. Bà con vẫn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, hoặc thả rông”.


Đường vào bản Nậm Kè (Mường Nhé) cũng sẽ không còn lầy lội.

 

Tập quán canh tác của đồng bào Cống vẫn là trổ lúa trên nương, giống của địa phương, trừ một số ít ruộng nước thì được Nhà nước hỗ trợ giống, nên năng suất, chất lượng không cao. Chăn nuôi đơn giản, chủ yếu là thả tự nhiên nên thường xảy ra dịch bệnh chết hàng loạt. May mắn hơn bản Púng Bon, người dân Nậm Kè đã được đầu tư điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại. Nhờ vậy, bà con có cơ hội nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích từ các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất. Hiện bản có 10 hộ kinh tế khá lên nhờ chăn nuôi trâu, bò, lợn và trồng trọt theo kiểu VAC như hộ ông Hù Văn Bậu, Hù Văn Bun... Tuy nhiên, theo Bí thư Lò Văn Sung, hiện bản vẫn còn 20/52 hộ nghèo, đời sống văn hóa tinh thần vẫn nghèo nàn và thiếu thốn. Bản vẫn chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Do không có chữ viết nên văn hóa không được bảo tồn, phát huy mà đang có xu hướng mai một và pha trộn. Phụ nữ Cống hiện đội khăn Piêu như đồng bào Thái và quần áo truyền thống cũng không còn. Nhiều bài dân ca, dân vũ như hát đối, chiếc khăn Piêu, con gà gáy, múa xòe... giờ ít người còn thuộc...


Cơ hội thoát nghèo bền vững


Hàng năm, đồng bào bản Púng Bon vẫn thiếu lương thực từ 4 - 5 tháng, với tỷ lệ hộ đói nghèo lên tới hơn 60%.

Với mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc rất ít người, trong đó có dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, hòa nhịp cùng với sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế xã hội bốn dân tộc rất ít người Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao ở Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu”. Ngay từ khi dự án được phê duyệt, Ban dân tộc các tỉnh có đồng bào được hưởng lợi đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện. Theo ông Hoàng Quý, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, do vốn năm nay dành cho đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên mới hơn 10 tỷ đồng nên chỉ tập trung vào các hạng mục cơ sở hạ tầng như đường, thủy lợi để đồng bào dễ đi lại và phát triển sản xuất...


Mục tiêu của dự án là đến năm 2020, Điện Biên sẽ thành lập thêm 2 điểm dân cư mới là bản Si Văn, trên cơ sở chia tách từ bản Púng Bon (huyện Điện Biên) và Lả Chà A, chia tách từ bản Lả Chà, xã Pa Tần, Mường Nhé (nay là huyện Nậm Pồ). Như vậy, Điện Biên sẽ có 6 bản có đông đồng bào Cống được hưởng lợi toàn diện các mục tiêu về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội của dự án.


Ông Hù Văn Bun, bản Nậm Kè (Mường Nhé) phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui khi có những chương trình của Trung ương đầu tư đến đồng bào nghèo. Đặc biệt là sự ưu tiên đầu tư hỗ trợ dân tộc rất ít người như dân tộc Cống. Tuy nhiên, do trình độ dân trí ở đây thấp nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật gặp khó khăn, việc tạo điều kiện cho đồng bào học văn hóa là cần thiết hơn cả bởi nhiều người còn không biết cộng trừ, nhân chia”.


Dự án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Cống ở Điện Biên sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cho đồng bào như đầu tư xây dựng hệ thống điện, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, làm đường giao thông, quy hoạch hình thành điểm dân cư mới, xây dựng mỗi bản một nhà sinh hoạt cộng đồng... Bên cạnh đó, Dự án tập trung đầu tư, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất dần dần thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những vùng nông - lâm nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Song song với đó là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào. Hỗ trợ trực tiếp cho học sinh các cấp, hỗ trợ giáo viên cắm bản. Đồng thời, tổ chức đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ cơ sở.


Hi vọng, không còn xa nữa, bản làng của đồng bào Cống sẽ khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, cơ hội thoát nghèo bền vững cũng sẽ nằm trong tầm tay...

 

Ông Chảo Văn Sơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Kè: “Các bài dân ca, dân vũ đang mai một. Mong muốn của người dân là có nhà văn hóa cộng đồng. Khôi phục lại bộ quần áo truyền thống, làm trống, chiêng để múa xòe, hát đối... trong những ngày lễ, Tết”.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN