Ngày 5/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020 với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, lĩnh vực dược lâm sàng trong nước...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, các bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nhưng việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.
“Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhân dân Gia định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương... đã nêu thực trạng kinh doanh, sử dụng và giải pháp quản lý thuốc; tình hình sốt rét kháng thuốc; tình hình kháng thuốc của vi rút cúm A tại miền Bắc...
Theo các đại biểu, trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Gánh nặng về chi phí điều trị do các bệnh nhiễm khuẩn gây ra khá lớn do việc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền. Năm 2011, tình hình lao kháng thuốc đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc, trong đó khoảng 9% là siêu kháng thuốc.
Nguyễn Bích Thủy