Ia Phang là một trong hai xã điểm của huyện ChưPưh (Gia Lai) được chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, Đề án đã hoàn thành, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang tập trung triển khai ngay từ đầu năm 2012 này.
Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Ia Phang có tổng mức vốn đầu tư 664 tỷ đồng, trong đó nhân dân trên địa bàn tự nguyện đóng góp 208 tỷ đồng, tập trung vào các nội dung: Xây dựng nhiều công trình và hạng mục công trình phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học... Đến năm 2015, dự kiến sẽ có những chuyển biến rõ nét về mặt kinh tế, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sẽ có sự chuyển dịch mạnh, trong đó nông nghiệp chiếm tới 60%, lao động trong nông nghiệp cũng giảm xuống còn 60%, trên cơ sở hình thành, phát triển các ngành nghề theo nhu cầu xã hội, góp phần tăng nhanh mức thu nhập.
Gia Lai phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 17 - 18 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010 và gấp 1,6 lần so với mức thu nhập chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10% theo tiêu chí mới. Môi trường sống của nhân dân trên địa bàn được cải thiện về mọi mặt, người dân được hưởng thụ về mặt văn hóa tinh thần, tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết: "Tất cả những tiêu chí về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của xã được xây dựng đến năm 2015 là đều có cơ sở - đó là lòng dân và chắc chắn thực hiện có kết quả. Bà con ở các thôn người Kinh cũng như ở các buôn làng người dân tộc thiểu số đều rất phấn khởi và đồng thuận cao trong việc xây dựng nông thôn mới, với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Phang luôn gắn liền với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra"; từ việc khảo sát, vận động cho đến lập đề án... đều có sự tham gia bàn bạc của người dân. Nhiều cuộc họp dân, hội nghị diễn ra tại các thôn làng, gần như có mặt đầy đủ bà con đến dự và cùng góp ý, thảo luận trên cơ sở thẳng thắn và đoàn kết. Thậm chí như ở làng Chư Pố 2, bà con đã tự nguyện đóng góp nhiều tỷ đồng bằng việc dời tường rào vào trong sân nhà để mở rộng đường liên thôn rộng hơn 6 m, không nhận tiền đền bù đất và các loại cây trồng lâu năm là một minh chứng của sự đồng thuận cao trong dân. Già làng Rơ lan Puk tâm sự: “Con đường trong làng có nhưng mà đi lại rất khó, nhất là vào mùa mưa. Bà con mình có hy sinh một ít để có được một con đường kiên cố hơn cũng chủ yếu phục vụ lại đời sống cho dân làng mình thôi, chứ có mất đi đâu mà lo...”.
Xã Ia Phang được thành lập từ năm 2001, có diện tích tự nhiên hơn 12.000 ha, hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó có 64% số dân là người dân tộc J'rai cùng chung sống ở 12 thôn, làng. Địa bàn xã nằm dọc theo quốc lộ 14 rất thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa, song điểm xuất phát về mặt kinh tế ở mức thấp. Hiện tại bình quân mức thu nhập đầu người chỉ đạt chưa đến 8 triệu đồng/năm, số hộ nghèo còn khá cao, chiếm gần 40%, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn. Cơ sở hạ tầng không đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa, giao thông đi lại thì xuống cấp nghiêm trọng, trường, lớp học còn thiếu...
Qua khảo sát thực trạng kinh tế - xã hội ở địa phương so với 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì Ia Phang chỉ có 2 tiêu chí đạt được là về điện sinh hoạt và văn hóa (có 83,33% thôn, làng văn hóa và 79,71% hộ văn hóa); 9 tiêu chí đạt trên 50% là giao thông, trường học, bưu điện văn hóa xã, nhà ở dân cư, giáo dục phổ thông, y tế, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị và an ninh trật tự; 7 tiêu chí đạt dưới 50% là quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa - thể thao, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp còn quá cao và hình thức tổ chức sản xuất còn lạc hậu. Một tiêu chí không đạt là Ia Phang chưa có chợ nông thôn.
Văn Thông