Trong những tháng đầu năm nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống TCTD tích cực thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được phê duyệt, trong đó tiếp tục tập trung vào các vấn đề chính như nâng cao năng lực tài chính và quản trị điều hành, tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo thanh khoản...
Theo NHNN, các giải pháp xử lý nợ xấu (như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản VAMC…) tiếp tục được toàn hệ thống triển khai mạnh mẽ quyết liệt. Bên cạnh đó, các TCTD tập trung tăng cường chất lượng hoạt động tín dụng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của NHNN về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro… Nhờ đó, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tiếp tục được duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định như: TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức.
Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng: Quá trình triển khai cơ cấu lại cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế, chủ yếu như: Hiệu quả kinh doanh chưa cao do gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
“Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của TCTD còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai việc hỗ trợ”, đại diện NHNN nói.
Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng theo Nghị quyết Trung ương số 05-NQ/TW khóa XII, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống...
Theo dự thảo, các quy định về xác định TCTD yếu kém được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về TCTD đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, bên cạnh đó bổ sung quy định về: Nguồn thông tin để phát hiện TCTD yếu kém thông qua hoạt động giám sát, thanh tra của NHNN; báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập; ý kiến bằng văn bản của các cơ quan nhà nước khác hoặc cơ quan giám sát nước ngoài có liên quan.
Để đảm bảo việc xem xét lựa chọn phương án xử lý phù hợp với thực trạng của từng TCTD, dự thảo Luật bổ sung quy định về đánh giá thực trạng của tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó bao gồm nội dung về đối tượng thực hiện, cách thức đánh giá, thời hạn đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, cũng quy định cụ thể về việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án phục hồi TCTD yếu kém.
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016- 2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ được những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thờii phải hình thành thị trường mua - bán nợ.