EU có thể xét lại chính sách năng lượng với Nga

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/9 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc phải cân nhắc lại hợp tác năng lượng với Nga trong trung và dài hạn, tuy nhiên sẽ không chấm dứt hợp tác vì điều này ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP - TTXVN.


Tại họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Phần Lan Alexander Stubb tại Berlin, Thủ tướng Đức cũng chỉ ra rằng con đường dẫn tới nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan tình hình Ukraine còn khá xa vời, bởi bất chấp có lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận Minsk (Belarus), tiến trình hạ nhiệt cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine vẫn chưa đáp ứng được mong đợi.

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong khu vực và tổ chức bầu cử địa phương dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) theo thỏa thuận với chính quyền Kiev.

Liên quan tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine hiện đang làm gián đoạn nguồn cung "năng lượng xanh" cho Kiev trước thềm mùa Đông tới và đe dọa cả nguồn khí trung chuyển sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, ngày 29/9, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Ukraine Naftogaz Andrey Kobolev tuyên bố nước này sẽ không đảm bảo được sự thông suốt và an toàn trong trung chuyển khí đốt nếu không đạt được một bản hợp đồng vận chuyển mới với Nga có sự tham gia của phía EU.

Cùng ngày, EU và Nga xác nhận cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga, Ukraine và EU nhằm ký kết biên bản ghi nhớ "chốt" lại giải pháp tạm thời cho cuộc tranh chấp khí đốt trên sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Theo giải pháp nhượng bộ đạt được tại Minsk, Ukraine có nghĩa vụ thanh toán cho Nga từ nay đến cuối năm 2014 khoản tiền 3,1 tỷ USD để trả nợ khí đốt đã mua.

Còn Moskva bắt buộc phải cung cấp cho Kiev 5 tỷ m3 khí đốt (có thể tăng thêm 5 tỷ m3 nữa) với giá 385 USD/1.000 m3 sau khi đã giảm giá 100 USD trong vòng 6 tháng. Mọi quyết định tiếp theo sẽ phụ thuộc vào phán quyết của Tòa án trọng tài Stockholm.

Cũng trong ngày 30/9, đại sứ 28 nước thành viên EU bắt đầu đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hòa bình tại Ukraine và tình hình tuân thủ lệnh ngừng bắn để tiến tới xem xét nới lỏng từng bước biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nếu có cơ sở để đưa ra đề xuất nới lỏng, quyết định cuối cùng sẽ phải được tất cả 28 nước đồng thuận nhất trí.


TTXVN/Tin Tức
EU hoãn ký tự do thương mại với Ukraine
EU hoãn ký tự do thương mại với Ukraine

Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định hoãn thực thi điều khoản liên quan tới "khu vực tự do thương mại sâu rộng và toàn diện" với Ukraine cho đến hết ngày 31/12/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN