Đùn đẩy trách nhiệm với người dân vùng thủy điện

Gia Lai được xem là xứ sở của thủy điện, với hơn 100 công trình lớn, nhỏ các loại. Việc đầu tư các dự án thủy điện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương là hướng đi hợp lý mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, phát triển “nóng” các công trình thủy điện thời gian qua đã và đang để lại không ít những hệ lụy.


Đã nhiều tháng trôi qua sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, gia đình anh Siu Nhíp ở làng Móc Đen 1, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) vẫn loay hoay chưa tìm được sinh kế mới để ổn định cuộc sống. Gần 3 ha ngô mà gia đình anh gieo trồng trở lại, đều teo tóp không thể sinh trưởng trên mảnh vườn bị đá sỏi bồi lấp bởi trận đại hồng thủy do công trình thủy điện này gây ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Anh Nhíp buồn rầu cho biết: “Nương rẫy của gia đình mình đều đã bị cát, đá và sỏi bồi lấp hết không còn đất thịt nữa, nên không cây trồng nào có thể phát triển được. Không biết thời gian tới gia đình mình lấy gì mà sinh sống đây”.


Không riêng gì gia đình anh Nhíp, hơn 180 ha đất rẫy của gần 200 hộ dân ở xã Ia Dom đều cùng chung “số phận”. Không còn đất để tái sản xuất, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn.


Không chỉ những người dân sống ở vùng hạ du thủy điện Ia Krel 2, tại một số công trình thủy điện khác trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư sau khi đạt được mục đích đã không còn quan tâm đến cuộc sống của người dân.


Kể từ khi chuyển đến định cư ở làng mới để nhường đất xây dựng công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, gần 600 nhân khẩu ở làng Groi, thị trấn KBang, huyện KBang, vẫn sống trong cảnh khó khăn. Tận mắt chứng kiến bữa cơm tối đạm bạc của gia đình ông Đinh Vươn, mới thấy hết nỗi vất vả của người dân nơi đây.


Gia đình ông Vươn là một trong số hơn 1.000 hộ dân của huyện KBang chuyển đến nơi tái định cư theo dự án xây dựng thủy điện, mặc dù được cấp đất canh tác nhưng phần lớn đất cằn cỗi, sỏi đá, nên trồng cây gì cũng không lên nổi. Không có đất sản xuất, ông cùng nhiều hộ dân khác đành vào tận xã Đăk Smar cách làng hơn 25 km để phát, đốt rừng làm rẫy.


Ông Võ Văn Phán, Phó Chủ tịch UBND huyện KBang bức xúc: Huyện đã có hàng chục buổi làm việc với Ban quản lý dự án thủy điện 7 để giải quyết dứt điểm cho dân, nhưng đơn vị này cứ chây ỳ. Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyến, Trưởng phòng dự án Ban quản lý dự án thủy điện 7 lại cho rằng: Việc chậm trễ cấp đất cho dân là do chính quyền địa phương chứ không phải lỗi tại thủy điện. Còn việc chậm trễ đền bù cho dân là do người dân khai báo diện tích đất chưa chính xác.


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 1995 đến nay đã có trên 200 thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các công trình thủy điện, thủy lợi. Tổng số diện tích đất của đồng bào bị thu hồi để xây dựng thủy điện là 30.000 ha và khoảng 12.000 hộ đã phải di dời hoặc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.


Trong khi người dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thì “quả bóng” trách nhiệm cứ được đá qua, đá lại.


Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN