Bài phát biểu dẫn đề quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 vừa diễn ra tại Xinhgapo đã được nhiều nước, nhiều tổ chức và giới học giả quốc tế đánh giá cao.
Các đoàn tham dự Đối thoại Shangri-La đều đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở tính thẳng thắn, minh bạch và rất trách nhiệm. Theo họ, hiếm có diễn đàn an ninh nào có lời dẫn dắt rõ ràng, minh bạch và tự tin như vậy. Đoàn Hoa Kỳ nhận định bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam minh bạch, rõ ràng và cũng hết sức hài hòa ở chỗ đáp ứng được sự quan tâm của tất cả các nước và đấu tranh thẳng thắn với các dấu hiệu có thể gây ra những thách thức, nguy cơ đối với an ninh khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Shangri - La ngày 31/5. Ảnh: THX - TTXVN |
Giới học giả Mỹ thực sự ấn tượng trước ý tưởng về thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Niu Yoóc, ông Andrew Billo, Trợ lý Giám đốc Chương trình Chính sách thuộc Tổ chức Nghiên cứu châu Á (Mỹ), tán thành quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đặc biệt nhấn mạnh đến lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo ông, lòng tin luôn là yếu tố căn bản cho mọi mối quan hệ dù đó là quan hệ giữa cá nhân hay giữa các quốc gia với nhau. Hiện ngày càng có nhiều cơ hội khuyến khích lòng tin, xây dựng lòng tin, xây dựng hợp tác giữa các nước khu vực châu Á, châu Âu và các đối tác Bắc Mỹ cũng như giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc với các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á.
Ông Billo cũng chia sẻ quan điểm về vai trò của các cường quốc đối với hòa bình, ổn định ở khu vực, mọi chiến lược và hành động của các cường quốc đối với khu vực cần tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập và chủ quyền của các nước khác. Ông nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng để duy trì đối thoại, định hướng các bên liên quan tôn trọng và thực thi những thỏa thuận đã đạt được.
Tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga ngày 1/6 đăng bài viết của Tổng biên tập Boris Vinogradov cho rằng việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời làm diễn giả chính trong Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 được xem là một sự tôn trọng đặc biệt của Thủ tướng Xinhgapo Lý Hiển Long dành cho quốc gia đang ngày càng giữ vai trò quan trọng và to lớn đối với nền chính trị không chỉ ở khu vực mà cả trên thế giới. Nga và những trung tâm chính trị thế giới đã dành sự chú ý đặc biệt tới bài phát biểu này. Bài phát biểu thu hút sự chú ý của người nghe khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trích dẫn một thành ngữ của Việt Nam thể hiện được nội dung xuyên suốt là “mất niềm tin là mất tất cả”. Chính sự thiếu hụt niềm tin hiện nay là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình chính trị thế giới, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và tạo ra các nguy cơ tất yếu cho tiến trình phát triển tiếp theo của nền an ninh chung. Theo bài báo, điều thú vị nhất thu hút người nghe từ bài phát biểu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định quan điểm chính thức của Hà Nội về chính sách quốc phòng, theo đó Việt Nam sẽ không liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào và không cho phép bất kỳ quốc gia nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Tạp chí “Eurasia Review” (Tầm nhìn Á - Âu) cũng đăng bài phân tích cho rằng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bao trùm nhiều điểm nóng dễ bùng nổ, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là một lựa chọn hay và là một lời nhắc nhở kịp thời đối với các nước trong khu vực. Thủ tướng Việt Nam hoàn toàn đúng khi chuyển tải thông điệp cần phải có hòa bình và hợp tác và điều này phụ thuộc vào nhân tố hàng đầu là “lòng tin chiến lược”.
Dư luận cũng cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chủ đề mở rộng hơn là chỉ gói gọn về các nước ASEAN hoặc chỉ nói về bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì thế đáp ứng được sự mong đợi của các đại biểu và dư luận.
TTK