Biến đổi khí hậu hiện đã và đang tác động rõ rệt ở Đồng Nai. Năm nay, mùa mưa thực chất đã đến hơn 2 tháng nhưng lượng nước về các hồ, đập rất ít. Mọi năm, ở thời điểm này các hồ, đập đã phải xả tràn nhưng nay mực nước tích trữ được rất thấp.
Đập Phước Thái, huyện Long Thành. Ảnh: CTV |
Đây là hiện tượng hiếm thấy trong hàng chục năm qua. Nhiều địa phương trong tỉnh đang lo lắng, nhất là các huyện miền núi như Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cữu… Thời gian tới, lượng mưa không tăng nên các hồ chứa khó tích đủ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong vụ đông - xuân tới.
Đồng Nai có khoảng 10 hồ, đập lớn trữ nước phục vụ cho sản xuất tại các địa phương. Đến nay, lượng nước về các hồ, đập chỉ đạt 14-31% so với dung tích của hồ và bằng 49-69% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có những hồ nước về rất ít, như: Hồ Mo Nang (huyện Vĩnh Cửu) với khoảng 17% dung tích của hồ, hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) đạt 18%, hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) đạt 29%... Vì thế, hiện các hồ vẫn trong tình trạng rất cạn và đang trong giai đoạn phải tích nước.
Một góc KCN Đồng Nai. Ảnh: Minh Thuyết |
Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết: Bình thường như mọi năm trước đây, đến đầu tháng 7 nhiều hồ lớn, như Gia Ui, Sông Mây đã trữ gần đầy, phải xả tràn, còn các hồ khác đều đạt trên 50% dung tích của hồ. Năm nay, lượng mưa phân bổ không đều nên đến thời điểm này nước về các hồ vẫn cạn kiệt. Nếu thời tiết đúng như dự báo, nửa cuối mùa, mưa ít thì các hồ khó mà tích đủ nước.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: Đến nay, lượng nước về một số hồ, đập trên địa bàn huyện mới xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước nên huyện yêu cầu các xã dùng nước tiết kiệm. Nếu đến nửa cuối mùa vẫn mưa ít, các hồ, đập không tích đủ nước thì khả năng cuối vụ mùa và vụ đông - xuân tới sẽ thiếu nước sản xuất. Vụ đông - xuân năm nay được nhiều nông dân Xuân Lộc coi là vụ chính vì năng suất bắp cao gấp gần 2 lần các vụ khác; nếu thiếu nước, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, mưa lớn tập trung ở nửa đầu mùa mưa. Đến thời điểm này, lượng nước về các hồ lớn trên địa bàn tỉnh mới chỉ bằng 49-69% so với cùng kỳ năm 2012; do đó, các hồ đều phải tích nước, không dám xả. Hiện tại, một số vùng cao dùng nước ngầm để sản xuất thì lượng nước về chưa nhiều so với mùa khô. Trung tâm khí tượng thủy văn còn dự báo trong tháng 7, mực nước cao nhất ở thượng lưu sông Đồng Nai tại Tà Lài (huyện Tân Phú) thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Hiện nay, mực nước ở sông Đồng Nai, hồ Trị An và các sông suối khác… cũng ở mực thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2012. Ông Võ Tấn Nhẫn, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Trị An, cho biết: Hiện mực nước về hồ Trị An đạt 54 m, thấp hơn so với cùng kỳ. Do đó, lượng điện phát đến thời điểm này đạt khoảng 600 triệu KWh, thấp hơn năm trước 20 triệu KWh. Đến chiều ngày 1/7, tổng lượng nước về các hồ lớn trên địa bàn tỉnh đạt trên 21 triệu m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 khoảng 12 triệu m3 nước.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến nhiều địa phương trong tỉnh. Do thiếu nước nên các hồ đập thủy điện ở thượng nguồn phải tích nước, không xả tràn nên sẽ làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền và gây ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Mặn xâm nhập sâu vào đất liền còn đe dọa nhiều diện tích cây trồng lấy nước tưới từ sông Đồng Nai và khiến tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trong mùa khô ngày càng gia tăng. Năm qua, do mặn vào sâu làm nhiều cánh đồng lúa của huyện Nhơn Trạch thiệt hại từ 50-100%.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, vào năm 2020 trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng khả năng Đồng Nai sẽ có trên 930 ha đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, thành phố Biên Hòa bị ngập. Trong đó, huyện Nhơn Trạch ngập khoảng 510 ha, Long Thành bị ngập gần 340 ha và thành phố Biên Hòa gần 80 ha.
Để giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tỉnh cũng như các địa phương đã và đang từng bước triển khai các biện pháp: Đối với sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đang vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để hạn chế dịch bệnh, thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Các khu công nghiệp có diện tích lấp đầy 50% bắt buộc phải tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động… Tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt kế hoạch tổng thể cho việc đầu tư khắc phục, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới với tổng kinh phí thực hiện hàng trăm tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản số 5222 kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho dừng triển khai dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A và loại bỏ hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai. Việc làm này phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, phù hợp với Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường... và các Công ước quốc tế, phù hợp với ước vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Hiền