Không có cách thức rõ ràng nào để xác định một đồng tiền bị định giá quá thấp hay quá cao. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một phát biểu nhằm chỉ trích Đức, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Peter Navarro - cho rằng đồng euro bị “định giá cực kỳ thấp”. Lời cáo buộc này nghe có vẻ đúng đối với nền kinh tế Đức, song chưa hẳn đúng với toàn bộ khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên. Ông Navarro nói rằng Đức, nền kinh tế hùng mạnh của khu vực đồng euro, đang lợi dụng tỷ giá hối đoái đồng euro cho những mục đích thương mại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ cáo buộc này.
Không có cách thức rõ ràng nào để xác định một đồng tiền bị định giá quá thấp hay quá cao, song theo nhiều nhà kinh tế, một số biện pháp kinh tế cho thấy nền kinh tế Đức có thể dễ dàng đối phó với một đồng euro mạnh hơn. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgan Schaeuble ngày 3/2 cũng nói rằng Đức có thể "chịu" được đồng euro mạnh hơn một chút.
Tuy nhiên, ông đồng ý với các nhà kinh tế rằng điều đó sẽ gây khó khăn hơn cho các nước thành viên khác của khu vực đồng tiền chung. Với những nền kinh tế yếu hơn như Hy Lạp, các biện pháp kinh tế cho thấy tỷ giá đồng euro quá cao, còn với toàn bộ khu vực đồng tiền chung nó được định giá thấp vừa phải. Chuyên gia Jennifer MaKeown thuộc Capital Economics nhận xét: “Đồng euro thấp hơn đa số các ước tính về giá trị phù hợp. Và các nhà xuất khẩu Đức xem ra đang hưởng lợi hơn đa số khác”.
Nhà Trắng quan ngại về tỷ giá hối đoái bởi các công ty Đức bán ô tô, phụ tùng xe, dược phẩm, máy bay và trực thăng ở khắp thế giới, cạnh tranh với các nhà sản xuất của Mỹ cũng như của các nước châu Âu khác. Kim ngạch xuất khẩu chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế Đức, trong đó 9,5% là tới Mỹ và 35% tới các nước thuộc khu vực đồng euro. Năm 2015, Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu cho hàng hóa xuất khẩu của Đức, lần đầu tiên kể từ năm 1961 đã vượt qua Pháp nhờ sự cải thiện của kinh tế Mỹ song cũng do đồng euro yếu đi. Đồng euro đã mất hơn 20% giá trị so với đồng USD kể từ giữa năm 2014.
Một số báo cáo mới đây cho thấy mặc dù đồng euro bị định giá thấp đối với Đức song nó lại quá cao đối với các nước khác. Báo cáo Chỉ số Giá Thế Giới (WPI) do hãng nghiên cứu World Economics công bố hàng tháng cho thấy đồng euro đã bị định giá thấp dựa trên cơ sở sức mua tương đương (PPP) - một cách thức tính tới lượng hàng hóa hai đồng tiền khác nhau có thể mua dựa trên cơ sở lạm phát và chi phí sinh hoạt.
Dựa theo PPP, một “đồng euro ở Đức” được định giá thấp hơn gần 17% so với đồng USD, trong khi một “đồng euro ở Pháp” lại được định giá cao hơn gần 5% và một “đồng euro Hy Lạp” được định giá cao hơn 7%. Báo cáo của World Economics chỉ rõ: ”Các nhà xuất khẩu Đức vẫn là người hưởng lợi từ một hệ thống đang gây ra sự đình trệ và thất nghiệp cho các nước khác ở châu Âu”.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng đồng euro đang bị định giá thấp từ 0-10% ở toàn khu vực đồng euro. Tuy nhiên, đối với Đức, việc định giá thấp đó ở giữa mức 10-20%, khiến tỷ giá đồng euro trở thành mức tỷ giá hối đoái bị định giá thấp nhất cho bất kỳ nước nào trong số 29 nước trên thế giới được nêu trong báo cáo.
Một trong những mục tiêu chính của liên minh tiền tệ châu Âu năm 1999 là tăng cường hội nhập và hội tụ kinh tế giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, liên minh này đã trao quyền ra quyết định về lãi suất và các chính sách tiền tệ cho ECB, có nghĩa là các nước thành viên khu vực đồng euro không thể đơn phương sử dụng các công cụ đó để tạo sức cạnh tranh hơn cho riêng mình được nữa.
Điểm yếu gần đây nhất đối với đồng euro phần lớn là do sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và khu vực đồng euro cũng như lợi tức trái phiếu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, trong khi ECB bơm hàng trăm tỷ euro vào nền kinh tế này thông qua chương trình QE (nới lỏng định lượng). ECB đã phê chuẩn chính sách tiền tệ quá nới lỏng nhằm tránh giảm phát, củng cố ngành ngân hàng yếu ớt của khu vực đồng tiền chung và phục hồi kinh tế. Điều đó đã dẫn tới một đồng tiền bị suy yếu, có lợi cho xuất khẩu của các nước thành viên khu vực đồng euro.
Ngày 3/2, ông Navarro nói trên tờ “Thời báo Tài chính” rằng Đức “tiếp tục lợi dụng các nước khác trong EU (Liên minh châu Âu) cũng như Mỹ bằng một ‘đồng Mark Đức giả danh’ đang bị định giá vô cùng thấp”. Lời bình luận này đã khiến bà Merkel kiên quyết phản đối, cho rằng Đức không thể tác động được vào tỷ giá. Bà nói: “Đức là nước luôn kêu gọi ECB thực thi một chính sách độc lập, đúng như Bunsdesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) đã làm trước khi có đồng euro. Bởi thế, chúng tôi sẽ không gây ảnh hưởng tới các hoạt động của ECB. Và do đó, tôi không thể và không muốn thay đổi tình hình như vốn có”.
Tuy nhiên, các số liệu mới nhất của Ủy ban Châu Âu được cập nhật tính dến quý II/2016 cho thấy Đức đã không tán thành mức tỷ giá thực tế - lượng hàng hóa và dịch vụ trong một nước có thể trao đổi với lượng hàng hóa và dịch vụ ở một nước khác - là khoảng 7,5% trong khuôn khổ của khu vực đồng tiền chung kể từ khi có đồng euro vào năm 1999. Điều đó tạo cho Đức lợi thế cạnh tranh lớn. Đa số các nước thành viên đã có sự tăng giá đồng tiền hiệu quả, ví dụ như Slovakia đã có tỷ giá hối đoái tăng lên gấp đôi.