Huyện Mường La, nơi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La là một trong những địa phương có nhiều hộ dân phải di dời để phục vụ xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này. Đến nay, sau hơn 12 năm rời quê hương cũ, cuộc sống của người dân tái định cư tại huyện Mường La đã từng bước ổn định, yên tâm gắn bó với nơi ở mới.
Bản tái định cư Cang Mường, xã Mường Trai có hơn 50 hộ dân, di chuyển về đây từ năm 2008. Sau khi di chuyển đến nơi ở mới, ngoài diện tích đất sản xuất được giao theo quy định, tận dụng diện tích mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, bà con đã triển khai mô hình nuôi cá lồng và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lường Văn Thủy, ở bản tái định cư Cang Mường là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi sản xuất, đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Sau nhiều năm gắn bó với việc làm nông nghiệp, gia đình anh đã chuyển sang nuôi cá lồng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, gia đình anh có 8 lồng cá cho thu nhập ổn định hàng năm.
Người dân sống hai bên bờ hồ thủy điện Sơn La chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Mong muốn của gia đình anh cũng như người dân trong bản là được Nhà nước quan tâm đầu tư về giống cá, tư vấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, có như vậy bà con sẽ yên tâm hơn khi mở rộng quy mô nuôi trồng.
Trong thời gian qua, để đảm bảo đời sống ổn định cho người dân tái định cư, chính quyền huyện Mường La đã tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ mua sắm công cụ lao động. Nhờ đó, hiện 46/49 điểm tái định cư ổn định và có điều kiện phát triển, với thu nhập bình quân đầu người đạt 1 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi di chuyển.
Hình thành dịch vụ thuyền máy chở khách giữa các thôn bản ven hồ. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Ông Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai cho biết, đến nay, đồng bào ở Mường Trai đã dần ổn định cuộc sống. Xã sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các cây trồng vật nuôi, kiến nghị Nhà nước triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững như 30a, 135 để hỗ trợ nông cụ sản xuất, hỗ trợ bò, gà dê cho các hộ còn khó khăn.
Để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất và gắn bó với nơi ở mới, huyện Mường La đã tập trung thực hiện giao đất ở và đất sản xuất cho gần 2.400 hộ dân tái định cư, đạt 100% số hộ phải giao. Huyện đã thực hiện đầy đủ công tác bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Các điểm tái định cư được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ theo đúng quy hoạch được duyệt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo hoàn thành mục tiêu dự án.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, Mường La sẽ tiếp tục đầu tư tập trung cho các bản tái định cư, xác định rõ các nguồn lực tại chỗ và huy động các nguồn lực để đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Đồng thời, chú trọng triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất cây trồng vật nuôi, hướng dẫn cho bà con có hướng phát triển sản xuất ổn định và phù hợp với điều kiện tại các điểm tái định cư.