Đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ về - Bài 1: An toàn trên cụm, tuyến dân cư

Vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, trong khi cả miền Trung đang phải hứng chịu sức tàn phá của cơn bão số 10, thì tại các tỉnh đầu nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước lũ cũng tràn đồng. Do thời tiết diễn biến khó lường, cộng với mưa lớn ở phía thượng nguồn sông Mê Kông, nhiều khả năng nước lũ ở ĐBSCL sẽ diễn biến thất thường và lũ sẽ dâng cao hơn so với các năm.

 

Bài 1: An toàn trên cụm, tuyến dân cư


Tại Đồng Tháp và An Giang, những tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL, công tác phòng chống thiệt hại trong mùa lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, đảm bảo an toàn các vùng sản xuất nông nghiệp đã và đang triển khai gấp rút.


Chủ động đối phó


Có mặt tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi được ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch xã đưa qua bên kia sông Châu Đốc đúng giờ tan trường. Từ phía xa, chúng tôi đã thấy hàng trăm em học sinh khoác trên người những chiếc áo phao đủ màu sắc đang được các thầy, cô của trường Tiểu học Vĩnh Hội Đông tất bật hỗ trợ đưa lên hai chiếc xuồng máy neo đậu sát bờ. Lấy tay lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thầy Vương Minh Khả, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Hội Đông cho biết: “Thấy các em không phải nghỉ học trong mùa lũ và được đưa đón an toàn, chúng tôi mừng lắm. Năm nay, trường tổ chức hội thi “An toàn lũ” và triển khai được 5 tuyến đưa đón với tổng cộng 130 em. Toàn bộ kinh phí đều từ nguồn phòng chống lụt bão của huyện và từ nguồn xã hội hóa nên phụ huynh không phải mất khoản phí nào”.

 

Các em học sinh được mặc áo phao và đưa đón đến trường hằng ngày.


Theo ông Phương, đây là xã giáp biên giới có 4 cụm tuyến dân cư vượt lũ với hơn 700 nhân khẩu. Toàn bộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm đã di dời về hết các cụm, tuyến. Từ ngày 12/9, UBND xã yêu cầu nhà trường cấp phát áo phao và bố trí xuồng máy để đưa đón các em đến trường qua sông Châu Đốc vì tuyến lộ nông thôn đến trường Tiểu học Vĩnh Hội Đông nằm trên ấp Vĩnh Hòa đã bị ngập hoàn toàn, có đoạn ngập sâu hơn 1 mét.


Trong khi đó, trên khu đất gò cao cách trường Tiểu học Vĩnh Hội Đông không xa là trụ sở làm việc của Ban Chỉ huy quân sự xã, nay được trưng dụng thành điểm giữ trẻ cộng đồng. Điểm giữ trẻ này đang chăm sóc 60 cháu. “Lúc đầu, công tác vận động nhân dân đưa con em tới điểm giữ trẻ cộng đồng rất khó khăn vì họ sợ con em mình không được chăm sóc tốt. Nhưng đến nay, cứ vào mùa lũ, gia đình nào có con nhỏ đều tự động đi đăng ký gửi trẻ để yên tâm đi làm ăn, không lo trẻ bị đuối nước”, ông Phương cho biết.


Sau 10 năm triển khai mục tiêu giải quyết chỗ ở an toàn cho người dân vùng lũ ĐBSCL, toàn tỉnh An Giang đã bố trí cho hơn 34.000 hộ dân thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Thành, Châu Đốc, Thoại Sơn… vào sinh sống tại 245 cụm, tuyến dân cư vượt lũ.


Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư đã phát huy hiệu quả. Cuộc sống của nhân dân được an toàn hơn trong mùa lũ, thiệt hại về tính mạng, tài sản đã giảm rất nhiều.


Tương tự, tỉnh Đồng Tháp đã đưa hơn 42.000 hộ dân vào 256 cụm, tuyến dân cư. Trong mùa lũ này, tỉnh đã tổ chức được 379 nhóm trẻ cộng đồng để chăm sóc gần 7.000 trẻ em; đồng thời, mở 926 lớp dạy bơi cho hơn 21.000 trẻ em từ 7 - 15 tuổi và kiện toàn 487 đội cứu hộ cứu nạn với hơn 3.000 thành viên.


An toàn sản xuất nông nghiệp


Đứng trên bờ đê bao vừa được đầu tư nâng cấp vượt lũ từ đầu năm 2013 để bảo vệ 2.600 ha lúa vụ 3 và hoa màu ở hai xã Thường Phước 2, Thường Thới Tiền, anh Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đây là một phần trong hệ thống đê bao chống lũ triệt để của huyện. Việc phát triển hệ thống đê bao khép kín nhằm đảm bảo sản xuất lúa 3 vụ và các loại hoa màu để tăng thu nhập cho nhân dân đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới”.


Dọc theo tuyến đê bao khép kín dài 12 km, bề ngang 6 m và cao 6,3 m, một bên mặt đê là cánh đồng lúa vụ thu đông hiện lên một màu xanh trải dài trên diện tích hàng ngàn ha, phía mặt đê còn lại tiếp giáp với dòng sông Thường Phước Ba Nguyên, một nhánh của dòng sông Tiền. Nước đã dâng cao tràn đồng, loang loáng màu vàng phù sa. “Theo kế hoạch, thì sau 2 - 3 năm sản xuất 3 vụ, huyện sẽ xả lũ để rửa ruộng đồng, tiêu diệt mầm bệnh và bù đắp phù sa cho đất cho nên không lo đê bao khép kín gây hại cho sản xuất nông nghiệp”, anh Mẫn nói.


Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.200 ô đê bao, bờ bao với cao trình từ 1,4 - 7,1 m bảo đảm chống lũ cho hơn 171.000 ha lúa hè thu, hơn 131.000 ha lúa thu đông, hơn 15.000 ha cây ăn trái và trên 1.000 ha nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản. Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Việc xây dựng, nâng cấp đê bao là nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục rà soát lại đê bao để thực hiện đúng quy hoạch kiểm soát lũ của ĐBSCL và theo qũy thủy lợi của tỉnh đã phê duyệt đến năm 2020”.


Tỉnh An Giang, hiện có khoảng 180.000 ha, chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp được bảo vệ bởi đê bao khép kín. Nhờ vậy, tỉnh đã tăng thêm được sản xuất lúa vụ 3 và làm thêm những mô hình sản xuất nhỏ như: nuôi lươn, cua đồng, cá… để tạo thêm thu nhập cho người dân”.


Bài và ảnh: Anh Đức

Bài 2: Sinh kế cho dân nghèo trên cụm tuyến vượt lũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN