Đổi thay trên mảnh đất Hà Hiệu

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) đã vinh dự hai lần được đón Bác về thăm. Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hà Hiệu đã ra sức thi đua lao động, sản xuất đẩy lùi đói nghèo, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.


Bí thư Đảng ủy xã Hà Hiệu, ông Đàm Văn Khoát cho biết: Hà Hiệu hiện có 630 hộ, 2.875 nhân khẩu, đa số bà con là người dân tộc Dao, Mông. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng nhà cửa, đường sá, công trình công cộng, giống cây trồng, vật nuôi; cùng với tinh thần chịu thương chịu khó, cần cù lao động của đồng bào dân tộc nơi đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ 33,09% vào năm 2009, nay đã giảm còn 9,36%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu/người/năm, bình quân lương thực đạt 710 kg/người/năm. Hà Hiệu còn được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Bể.

 

Nhờ nuôi gà đồi, nhiều hộ dân ở Hà Hiệu đã thoát nghèo.


Không khuất phục trước cái đói, cái nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân xã Hà Hiệu đã tích cực lao động sản xuất, học hỏi cách làm ăn để phát triển kinh tế. “Cánh đồng mẫu lớn” của xã bằng phẳng, trải dài một màu xanh mướt. Nhờ chủ động được việc tưới tiêu, nên đồng ruộng mỗi năm sản xuất ba vụ, với các giống mới cho năng suất cao.


Nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao như mô hình nuôi gà thả đồi, vỗ béo trâu, bò, nuôi lợn thịt, nuôi dê… Anh Chu Đức Phương, dân tộc Tày, thôn Bản Mới chia sẻ: “Gia đình thực hiện chăn nuôi gà thả đồi từ năm 2006, mỗi tháng xuất bán trên 1.000 con gà giống, gà thịt, thu nhập đạt hơn 100 triệu/năm. Hiện nay, trong thôn cũng có rất nhiều hộ nuôi gà thả đồi. Nhờ nuôi gà thả đồi mà cuộc sống của người dân nơi đây khá hơn rất nhiều. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, người dân đã có của ăn, của để”.


Không chỉ tích cực làm kinh tế, đồng bào xã Hà Hiệu cũng rất tích cực tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng, đốt nương làm rẫy, khai khẩn đất hoang để trồng rừng. Diện tích trồng rừng luôn vượt chỉ tiêu được giao, mỗi năm trồng mới trên 100 ha, độ che phủ rừng đạt 63%. Công tác quản lý, chăm sóc rừng trồng, rừng tái sinh được chú trọng nên đã hạn chế được tình trạng cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi Hà Hiệu.


Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người dân. Cả xã đã cơ bản xóa xong nhà tranh tre dột nát, nhà nào cũng có xe máy và phương tiện nghe nhìn.


Hà Hiệu giờ không còn những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bà con chăm lo làm ăn, phát triển sản xuất nên cuộc sống không ngừng được nâng lên. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được bà con hưởng ứng nhiệt tình, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ít có tệ nạn xã hội.


Kinh tế phát triển, chuyện học hành của con em trong xã cũng được quan tâm, các điểm trường được đầu tư xây dựng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp đạt 97% trở lên, luôn duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục THCS, tiểu học và mầm non.


Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Ngọc Lợi, Chủ tịch UBND xã, hiện Hà Hiệu mới đạt 7/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một số thôn, bản vùng cao còn thiếu điện, thiếu nước, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động các cấp ngành cùng vào cuộc để chung tay xây dựng Hà Hiệu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.


Núi đồi, ruộng đồng, suối khe Hà Hiệu vẫn mãi còn in dấu chân Bác cùng với các đồng chí lãnh đạo cách mạng đã từng hoạt động nơi đây. Bà con các dân tộc xã Hà Hiệu đang từng ngày học tập và làm theo tấm gương Bác, ra sức xây dựng nông thôn mới để cuộc sống ngày một ấm no, tươi đẹp hơn như Bác hằng mong đợi.


Bài và ảnh: Đức Hiếu

Khó mấy cũng nuôi con ăn học
Khó mấy cũng nuôi con ăn học

Không vì hoàn cảnh mà anh Pao để các con thất học. Hiện nay, 6 đứa con của anh Pao có 2 cháu học cao đẳng, 4 cháu sau đang học THPT, THCS và tiểu học. Các cháu đều học tốt và chăm ngoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN