Đổi thay trên mảnh đất Bàu Cam

Thôn Bàu Cam, thuộc ấp 8, xã Tân Thành, Đồng Xoài (Bình Phước) có 70 hộ gia đình, với hơn 90% là đồng bào dân tộc Nùng. Người Nùng gọi Bàu Cam là Càm Con. Về Bàu Cam hôm nay, thật bất ngờ trước những đổi thay đáng mừng của cuộc sống người dân nơi đây.

 

Bàu Cam bây giờ không còn nhà tạm, thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố.

 

Năm 1988, vì điều kiện kinh tế khó khăn, hơn 60 gia đình đồng bào dân tộc Nùng đã rời Quảng Hòa (Cao Bằng) đến Bàu Cam làm quê hương thứ hai để an cư lạc nghiệp. Bà Lương Thị Rây - một người dân trong thôn - nhớ lại: “Ngày chúng tôi mới đến, đất Bàu Cam này toàn rừng rú thôi. Cây le, bụi gai, cỏ dại trùm kín lối đi, đến nỗi một con bò cũng không chui qua được. Thóc gạo khó khăn, có ngày gia đình tôi phải nấu hoa chuối ăn trừ bữa”. Để có tiền mua gạo, bà con đi làm thuê, làm mướn. Bữa cơm chỉ có rau dại, măng rừng và vài con cá suối nấu canh.

 

Nhưng cái đói, cái nghèo không làm người Bàu Cam nản chí. Những ngày không đi làm mướn, bà con vỡ đất trồng lúa, khai khẩn đất hoang đặt giống cao su và điều. Nhờ chịu thương chịu khó, mỗi gia đình đã có trong tay từ 5 - 20 ha cao su và điều. Khi những cây công nghiệp này cho thu hoạch, Bàu Cam bắt đầu thay da đổi thịt.


 

Trẻ em ở Bàu Cam được học trong trường lớp khang trang.

 

Bây giờ, đường vào Bàu Cam không còn phải luồn rừng, lội suối nữa, tuyến đường liên thôn “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vừa mới hoàn thành, nối liền quốc lộ 14 đến từng hộ gia đình. Những vườn điều, cao su trải dải ngút mắt. Nhà sàn, nhà xây khang trang thay thế những căn nhà tranh vách đất ọp ẹp. 100% hộ dân có xe máy, ti vi, một số gia đình còn sắm được ô tô tải, xe con phục vụ cho việc chuyên chở nông sản và đi lại.

 

Theo trưởng thôn Lý Văn Trường, hiện nay 95% gia đình ở Bàu Cam thuộc vào diện khá giả, chỉ có 3 hộ còn nằm trong diện xóa đói giảm nghèo, đó là những hộ mới chuyển đến sinh sống. Thu nhập bình quân của thôn đạt trên 40 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt có hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm như gia đình ông Lương Văn Hành, ông Phùng Văn Quán... Không bằng lòng với những gì đã làm được, bà con Bàu Cam đang tìm thêm những hướng phát triển kinh tế mới. Nhiều gia đình đang trồng thử nghiệm cam, quýt giống mới và lập trang trại chăn nuôi. Với giá cả như năm vừa qua, 1 ha cam cho thu nhập gần 400 triệu đồng thì đây hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở Bàu Cam.


Kinh tế ổn định, bà con Bàu Cam quan tâm hơn đến việc học hành của con cái. Từ nhiều năm nay, ở Bàu Cam không có tình trạng học sinh bỏ học, trẻ em đủ tuổi đều được đến trường. Toàn thôn có 5 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Thôn cũng đã xây dựng 1 lớp học (thuộc phân hiệu Trường Tiểu học Tân Thành) cho các em học sinh lớp 1, 2 bớt vất vả đi lại do trường tiểu học cách thôn tới 6 km.


Ông Hoàng Minh Bằng, Phó Bí thư chi bộ ấp 8 cho biết, ở Bàu Cam, bà con dân tộc Nùng sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm xây dựng thôn văn hóa. Bà con cũng hăng hái tham gia các phong trào do chính quyền đoàn thể phát động. Hội Nông dân tập thể, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo được niềm tin nơi người dân vào Đảng và Nhà nước.


Bài và ảnh: Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN