Từng là xã nghèo, đời sống kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, lạc hậu, nhưng hiện nay, xã miền núi Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã thực sự "thay da đổi thịt", trở thành một trong những xã điểm về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Người dân xóm Hòa Khê, xã Văn Hán, thu hoạch chè giống mới. |
Ông Lâm Thanh Vạn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện xã có 2.564 hộ, với trên 10.000 nhân khẩu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12%, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 7.661 tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19%. Tất cả 7 xóm đã có nhà văn hóa, 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đội ngũ cán bộ xã đạt chuẩn về nghiệp vụ chuyên môn, hàng năm đều hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, đời sống người dân ngày càng ổn định hơn.
Trước đây, đời sống người dân Văn Hán còn gặp nhiều khó khăn do giao thông không thuận tiện, sản phẩm nông nghiệp làm ra hầu như chỉ bán được với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, lãnh đạo xã đã chỉ đạo từng xóm tích cực vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, tập trung xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Theo đó, nhiều mô hình tổ hợp tác được thành lập như mô hình sản xuất chè, trồng lúa, dong riềng... Nhiều giống mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được bà con mạnh dạn đầu tư như: Lúa An Dân, chè Phúc Vân Tiên, LDP1… thay cho các giống lúa, chè địa phương năng suất thấp. Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân.
Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội ở Văn Hán thời gian qua là xã đã tập trung xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, đạt hiệu quả cao như: Mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xóm Hòa Khê 1, mô hình lúa An Dân tại xóm Phả Lý, mô hình trồng dong riềng tại xóm Cầu Mai... Ông Lý Văn Thu - trưởng xóm Hòa Khê 1 cho biết: Hiện nay xóm đã triển khai trồng 135 ha chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Trước đây, trồng chè đồi mỗi lứa chỉ cho thu hoạch 2 tạ chè búp khô/mẫu, giờ chuyển sang trồng các giống chè mới cho năng suất cao hơn. Ông Hoàng Văn Xuân - tổ viên tích cực trong tổ sản xuất chè VietGap cho biết: Gia đình hiện có 20 sào chè, mỗi năm thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 tạ chè búp khô, thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, không chỉ riêng gia đình ông Hoàng Văn Xuân, mà nhiều hộ khác ở Văn Hán cũng đã có đời sống kinh tế khá hơn nhờ chè, như gia đình ông Đoàn Văn Đức ở xóm Hòa Khê 1, ông Hoàng Văn Thiết và chị Trần Thị Khuyên cùng ở xóm Đoàn Lâm…
Để sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, chính quyền xã đã tập trung vận động người dân hiến đất làm đường. Gần 7 năm qua, người dân Văn Hán đã hiến được 54.000 m2 đất để làm đường giao thông; xây dựng được 5 tuyến đường giao thông: Khe Mo - Đèo Nhâu, Thịnh Đức - Đoàn Lâm - Hòa Khê 2, Ba Quà – Hòa khê, Thịnh Đức 2 - Cầu Mai – La Hiên, Làng Hỏa – La Đàn với tổng chiều dài 8,5 km. Ngoài ra, nhiều công trình trong xã cũng được tu sửa và xây mới như: trường THCS xã, trường mầm non xóm Làng Hỏa, nhà hiệu bộ trường tiểu học… Giao thông thuận lợi càng tạo đà cho kinh tế phát triển, trước đây một kg chè búp khô chỉ bán được từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, nay đã tăng thêm từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Sản phẩm chè Văn Hán đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Lan Anh