Hiện Cơ quan điều tra (Công an huyện Cẩm Khê) đang xác minh, điều tra, nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ khởi tố hình sự.
Cụ thể, đến thời điểm này, Cơ quan điều tra Công an huyện Cẩm Khê đã nhận được 11 đơn tố cáo Hà Huy Ngọc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán lươn giống của các ông: Phạm Văn Tuân (sinh năm 1978, tại tỉnh Thanh Hóa); ông Phạm Ngọc Quý (quận Đống Đa, Hà Nội); ông Khuất Tất Dũng (Phúc Thọ, Hà Nội); ông Hoàng Văn Võ (Đoan Hùng, Phú Thọ); ông Vũ Tiến Lực ( Đoan Hùng, Phú Thọ); ông Ma Văn Sỹ (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn); ông Nguyễn Văn Nhạc (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ); bà Nguyễn Thị Minh ( Đoan Hùng, Phú Thọ); ông Đăng Văn Chín (Đoan Hùng, Phú Thọ), ông Nguyễn Văn Tuấn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Đỗ Văn Thao ( Phúc Thọ, Hà Nội).
Bên cạnh đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cũng đã nhận được nhiều đơn thư và ý kiến phản ánh qua điện thoại của nhiều hộ dân khác, liên quan đến việc mua bán lươn giống này, như hộ ông Phạm Văn Hữu (xã miền núi Minh Lương, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) bị mất gần 30 triệu đồng; hộ ông Phạm Văn Đăng (xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng) bị mất 28 triệu đồng; gia đình anh Thành (tỉnh Yên Bái) bị mất 125 triệu đồng; gia đình anh Đông (Sơn Tây, Hà Nội) mất 120 triệu đồng…
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), do tin vào lời giới thiệu sản phẩm và những thông tin quảng bá trên mạng của Hợp tác xã chăn nuôi Ngọc Đăng, gia đình ông liên hệ mua lươn và được ông Ngọc cùng đội nhân viên kỹ thuật về tận trang trại để tư vấn và kiểm tra mẫu nước.
Sau nhiều ngày được hướng dẫn kỹ thuật, cùng với thông báo nguồn nước đảm bảo yêu cầu nuôi lươn, ngày 26/2/2020, ông Tuấn đã ký hợp đồng mua bán hàng hóa số 007/HĐMB-HTX với ông Hà Huy Ngọc. Nội dung hợp đồng nêu rõ, ông Tuấn (bên mua) mua 500 kg lươn, loại 100 con/kg, giá 330.000 đồng/kg, tổng số tiền là 158 triệu đồng cho Hợp tác xã chăn nuôi Ngọc Đăng (bên bán). Ông Tuấn đặt cọc 65 triệu đồng cho ông Ngọc. Số tiền còn lại được thanh toán sau khi hai bên giao, nhận lươn.
Theo hợp đồng trên, ngày 14/3/2020, ông Hà Huy Ngọc đã trực tiếp mang lươn đến giao cho ông Tuấn tại trang trại. Sau khi nhận, lươn bơi khỏe, ông Tuấn đã thanh toán nốt số tiền còn lại cho ông Ngọc.
Ông Tuấn không ngờ, bằng thủ đoạn tinh vi và trắng trợn, ngay sau đó, ngày 15/3 (tức một ngày sau khi ông Ngọc giao lươn cho ông Tuấn), ông Nguyễn Danh Hưng là nhân viên kỹ thuật chăm sóc lươn giống của Hợp tác xã chăn nuôi Ngọc Đăng đến trang trại nhà ông Tuấn và cho biết lươn giống bị yếu, cần mang đi xử lý. Lập tức, cùng ngày, ông Ngọc, ông Hưng và 3 người khác cho xe ô tô về trang trại của ông Tuấn bắt toàn bộ số lươn giống (được cho là yếu) để mang đi xử lý, đồng thời cho biết sau vài ngày sẽ trả lại lươn giống khỏe cho ông Tuấn.
Kể từ đó đến nay, ông Tuấn đã nhiều lần gọi điện và đến tận trụ sở Hợp tác xã chăn nuôi Ngọc Đăng để đòi lại lươn nhưng ông Ngọc không những không đổi trả lươn giống mà còn lăng mạ, dọa nạt, thách thức ông Tuấn.
Ông Tuấn cho biết, sau khi Hợp tác xã chăn nuôi Ngọc Đăng bắt lươn mang đi, hai bên có lập biên bản bàn giao do ông Hà Huy Ngọc ký giấy xác nhận, đồng thời có sự chứng kiến của nhân viên kỹ thuật là ông Hưng (nhân viên của Hợp tác xã) và một số người nhà của ông Tuấn.
Để có đủ tiền mua lươn giống, gia đình ông Tuấn đã phải vay ngân hàng, chịu lãi hàng tháng. Từ việc mất lươn, thiệt hại tiền, chuồng trại chăn nuôi của gia đình phải bỏ trống vì không có tiền tái đàn. Cuộc sống, vốn dĩ khó khăn, nay càng thêm khó khăn, điêu đứng hơn.
Ông Tuấn cho biết, khi gọi điện hỏi về số lươn giống mang đi, ông Ngọc cho biết toàn bộ lươn giống này đã chết và không giải thích vì sao lươn chết, chết ở đâu, thời gian nào, lý do chết là gì… Ông Tuấn bức xúc cho rằng, đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình ông.
Bằng thủ đoạn là sau khi ký hợp đồng mua bán lươn giống và nhận đủ số tiền của nông dân, ngay ngày hôm sau, đơn vị bán lươn lại đưa ra thông tin lươn yếu, khiến người nông dân lo lắng và đồng ý cho mang lươn đi đổi lươn giống khác. Không được đổi trả lươn khác, tiền cũng không nhận lại được, nhiều hộ nông dân đã bị mất hàng trăm triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần.