Số lượng bệnh nhân tay - chân - miệng trong 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 50/56 trường hợp tử vong, tập trung tại khu vực phía Nam. Điều đáng lo lắng là số ca bệnh vẫn ở mức cao trong khi tháng 9 tới tháng 11 mới là cao điểm của mùa dịch. TS. Nguyễn Văn Bình (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trao đổi với Tin Tức xung quanh diễn biến và biện pháp phòng tránh dịch bệnh này.
Ông nhận định như thế nào về diễn biễn của dịch bệnh tay - chân - miệng đang “hoành hành” tại khu vực phía Nam?
Tay - chân - miệng là một bệnh do các vi rút gây bệnh đường ruột ở người, đặc biệt là virút Coxsackievirus A16 (CA16) và virút Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Trong khi các virút khác gây bệnh nhẹ ở trẻ em thì virút EV71 thường gây bệnh nặng và tử vong.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bệnh này có xu hướng gia tăng mạnh và gây ra các vụ dịch lớn, như ở Malaixia (năm 1997), Xinhgapo (năm 2000), vụ dịch tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 1998 cũng khiến hơn 100.000 người mắc và cướp đi sinh mạng của 78 người. Năm 2008, chỉ trong vòng 5 tháng, dịch bệnh này cũng “làm mưa làm gió” ở 5 tỉnh của Trung Quốc với hơn 61.000 ca mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong.
Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN |
Tại Việt Nam, từ năm 2008 - 2010, mỗi năm ghi nhận trên 10.000 trường hợp mắc tay - chân - miệng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh này lại diễn biến rất phức tạp, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 20.000 trường hợp mắc, 50/56 trường hợp tử vong tập trung ở khu vực phía Nam. Quả thực, rất khó nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới, nhất là thống kê một số năm gần đây cho thấy từ tháng 9 tới tháng 11 mới là thời điểm có số ca mắc tăng cao.
Các chuyên gia dịch tễ vẫn khẳng định, chưa có biến đổi chủng virút gây bệnh tay - chân - miệng nhưng tại sao số lượng trẻ bị tử vong do căn bệnh này lại nhiều như vậy, thưa ông?
Theo những báo cáo giám sát và nghiên cứu của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thì hiện nay vẫn chưa phát hiện có sự biến đổi nào về virút gây bệnh tay - chân - miệng. Riêng ở khu vực phía Nam, theo kết quả giám sát xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, tỉ lệ mắc tay - chân - miệng do EV71 vẫn chiếm khoảng 20% trong tổng số ca mắc (phân tuýp chủ yếu là C4, C5). Có thể số ca tử vong do bệnh tay - chân - miệng tăng là do tổng số ca mắc bệnh tăng cao hơn so với mọi năm.
Tháng 9 – 11 là mùa tựu trường và cũng là thời điểm được cảnh báo là số ca mắc bệnh thường tăng cao. Vậy ngành y tế có những giải pháp nào để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong?
Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ từ 2 - 4 tuổi (người lớn cũng có thể mắc bệnh). Dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Khi có các biểu hiện sốt cao (>=39,50C), biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như đau dầu, cứng cổ, đau lưng, rung/giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu/liệt chi, mạch nhanh... thì phải đến ngay cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời. |
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có vắcxin để phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
Ngành y tế luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền đến người dân các nguyên tắc phòng bệnh như: Rửa tay sạch trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, vệ sinh môi trường, làm sạch các bề mặt và khử trùng đồ chơi của trẻ em, dụng cụ sinh hoạt…; khử trùng những nơi bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân tay - chân - miệng bằng dung dịch CloraminB 2% hoặc các dung dịch khử trùng khác; không cho trẻ ăn chung thìa, bát và tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
Về phía các cơ sở y tế cũng tích cực giám sát, phát hiện ổ dịch mới, tập trung xử lý triệt để, tổ chức phân tuyến điều trị hợp lý, tránh hiện tượng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong. Thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn và nâng cao chuyên môn cho tuyến dưới. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn nghiên cứu để xác định được dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh chuyển nặng ở các bệnh nhân để kịp thời xử lý. Thống kê, phân tích đầy đủ thông tin giám sát dịch tễ đồng thời đánh giá hiệu quả các hoạt động đã triển khai. Bảo đảm vật tư, hóa chất phòng khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng…
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)