Để Tây Nguyên phát triển bền vững, Chính phủ đã có những định hướng gì?

Hỏi: Để Tây Nguyên phát triển bền vững, Chính phủ đã có những định hướng gì?

 

Trả lời: Ngày 7/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030.


Theo đó, sẽ hình thành không gian kinh tế liên tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có sự gắn kết hài hòa, ảnh hưởng tương hỗ tích cực, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng, khai thác hiệu quả lợi thế và nguồn lực nhằm hình thành vùng tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực là sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa lớn, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ xuất khẩu. Phân bố hợp lý hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên toàn vùng Tây Nguyên, đảm bảo liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển ổn định lâu dài.

Xác định mô hình phát triển đô thị để phát huy các giá trị đặc thù của từng khu vực cụ thể. Gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng. Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng. Làm cơ sở cho việc lập các quy hoạch xây dựng khác, soạn thảo các chương trình đầu tư, hoạch định các chính sách và quản lý phát triển đô thị, các điểm dân cư, các khu chức năng khác theo lộ trình tới năm 2030 trên phạm vi toàn vùng Tây Nguyên. Xác định những dự án ưu tiên đầu tư tạo động lực phát triển vùng.


Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia. Là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường hàng không phía Tây của Tổ quốc, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mêkông và vùng Biển Đông. Vùng kinh tế động lực của cả nước về nông, lâm nghiệp, khai thác - chế biến khoáng sản bauxit và vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là phát triển thủy điện, thủy lợi. Vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su phục vụ xuất khẩu; vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực, vùng đệm an toàn sinh thái và cung cấp nước cho khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Là vùng bảo tồn bản sắc văn hóa lịch sử đặc trưng lâu đời với các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế.


Các nguyên tắc quy hoạch: Kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với bối cảnh phát triển mới về kinh tế - xã hội của vùng và hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia cũng như khu vực. Xem xét mối liên kết phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, các tỉnh biên giới của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Campuchia với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Quy hoạch sử dụng đất các vùng chức năng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN