Cứ mỗi dịp hè về, tình trạng trẻ em bị đuối nước lại gia tăng. Nạn nhân hầu hết là trẻ em và vị thành niên. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có con em trong độ tuổi đi học, nhất là khi mùa hè đã gần kề.
Những vụ đuối nước thương tâm liên tục xảy ra khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong số các nguyên nhân dễ gây tử vong cho trẻ em như: tai nạn giao thông, bỏng, ngã, ngộ độc, động vật cắn... thì đuối nước là thủ phạm gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam. 50% tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ em là do đuối nước.
Khảo sát sơ bộ cho thấy độ tuổi của trẻ em bị chết đuối có tỉ lệ cao nhất tập trung ở nhóm trẻ từ 0-4 tuổi chiếm 36%, tiếp đến là hai nhóm từ 5-9 tuổi và 10-14 tuổi chiếm 24%, cuối cùng là nhóm từ 15-19 tuổi chiếm 16%.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nguyên nhân chính là do nhận thức của xã hội về vấn đề này còn bị hạn chế dẫn đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa chưa được thực hiện triệt để. Bên cạnh đó nhiều địa phương còn xem nhẹ, chưa chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm do đuối nước gây ra.
Một nguyên nhân nữa là môi trường sống không an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng hoàn toàn không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy… hoặc việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm ngặt như người điều khiển thuyền, đò không có bằng lái, chất lượng của các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của các em học sinh.
Ngoài những nguyên nhân trên thì việc giáo dục tại các trường học chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bậc phụ huynh do mải mưu sinh mà không quan tâm đến việc chăm sóc con cái trong những ngày hè và vì thiếu kiến thức nên họ cho rằng con em mình không cần biết bơi. Nhưng trên thực tế cho thấy, số trẻ em bị chết đuối chủ yếu do không biết bơi. Việc dạy cho các em biết bơi chính là cách tự bảo vệ mình.
Nhằm đề phòng tai nạn đuối nước ở trẻ em, trước hết các bậc cha mẹ cần rào quanh ao gần nhất nơi nhà mình hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em lúc vắng người lớn. Khi chúng đang nghịch nước, tắm rửa, nên hướng dẫn cho trẻ biết bơi và dặn trẻ tuyệt đối không được cho trẻ tự bơi một mình. Chỉ nên cho trẻ tắm và tập bơi khi có cha mẹ hoặc người lớn cùng đi.
Để đối phó với tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng gia tăng thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp cận với các thông tin về an toàn trong mỗi gia đình, trường học và toàn thể cộng đồng là rất cần thiết.
Ngoài ra việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ an toàn cho con cái cũng cần được chú trọng. Hơn nữa, một trong những biện pháp để giảm thiểu các tai nạn về đuối nước cho trẻ em rất hữu hiệu đó là vận động các gia đình cho các em tham gia tập bơi để tự bảo vệ mình.
Hồng Trần