“Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do virút Corona (một loại virút hô hấp tương tự virút gây dịch SARS năm 2003- PV), nhưng bệnh dịch này rất có thể xâm nhập vào Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có dịch bệnh”, TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, diễn ra chiều 15/7, tại Hà Nội, do Bộ Y tế chủ trì.
Chưa xác định nguyên nhân lây lan
Theo TS Trần Đắc Phu, trong mấy tháng gần đây, các ca bệnh mắc chủng virút mới của virút Corona có xu hướng gia tăng tại 9 quốc gia ở khu vực Trung Đông, chủ yếu tại Ảrập Xêút (chiếm gần 80% tổng số ca bệnh). Cụ thể, từ tháng 4/2012 đến 15/7/2013, thế giới có 82 ca mắc, trong đó 45 ca đã tử vong (tương đương 56%). Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Hiện WHO đã thống nhất gọi tên dịch bệnh này là MERS-CoV.
Giám sát bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) là một biện pháp phòng ngừa dịch. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Khuyến cáo của WHO:
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Che mũi, miệng khi ho và hắt hơi. Tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc với người bệnh). Thường xuyên khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa. |
Đa số các trường hợp bệnh đều có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng. Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng mắc, tuy nhiên chủ yếu là người già, nam giới (tương đương 65%), người mắc bệnh mãn tính. Thời gian ủ bệnh thường từ 1,9 - 14,7 ngày.
“Điều đáng ngại là tại Ảrập Xêút phát hiện tới 8 ca dương tính với MERS-CoV nhưng lại không có triệu chứng mắc bệnh (4 cán bộ y tế và 4 trẻ em). Thực tế này làm tăng lo ngại về việc không thể phát hiện hết các trường hợp mắc bệnh và tăng khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”, TS Phu nhấn mạnh.
Hiện nay, WHO khẳng định đã có sự lây truyền bệnh từ người sang người qua tiếp xúc gần, nhưng chưa ghi nhận sự lây lan rộng trong cộng đồng. Việc lây truyền MERS-CoV có thể thông qua tiếp xúc hoặc qua các giọt nước bọt nhỏ của người bệnh; nhưng điều này cũng cần nghiên cứu sâu hơn. Bên cạnh đó, WHO vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng.
Chính vì vậy, các chuyên gia y tế đầu ngành đều có chung nhận định: Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có dịch bệnh. Nhất là từ 9/7 - 7/8, là thời điểm diễn ra Tháng lễ Ramadan và Lễ hành hương đến thánh địa Mecca của người Hồi giáo, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở một số nước trong khu vực càng gia tăng, đặc biệt tại Philíppin, Malaixia, Inđônêxia…
Chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh
Hiện nay, WHO chưa có khuyến cáo hạn chế du lịch hoặc thương mại tại những nước phát hiện bệnh nhân nhiễm MERS-CoV và đang đánh giá tình hình dịch để đưa ra quyết định liệu đây có phải là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp hay không; đồng thời, xây dựng khuyến cáo về đi lại, chủ động phòng chống đối với các hoạt động tập trung đông người….
Tại Việt Nam, để chủ động phòng, chống dịch bệnh hô hấp nguy hiểm này, theo ông Trần Đắc Phu: “Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường khám, sàng lọc các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp nhằm phát hiện sớm ca mắc”.
Ở lĩnh vực điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho hay: “Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các ca bệnh do MERS-CoV cho các cơ sở y tế trên cả nước. Xác định các tuyến thu dung điều trị bệnh nhân nghi ngờ. Đặc biệt, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc phòng chống nhiễm khuẩn. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế trong trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ…”
Đồng tình với quan điểm này, Ths.Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Vấn đề khó khăn nhất là tại các cơ sở y tế thiếu các phòng bệnh riêng biệt để cách ly bệnh nhân nghi ngờ, tránh lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, tình trạng người lành mang trùng khi trở thành dịch bệnh lây lan thì mới phát hiện được ca bệnh. Chính vì vậy, cần tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, chú trọng khâu cách ly các ca bệnh nghi ngờ, đồng thời làm tốt vấn đề chống nhiễm khuẩn để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng (nếu có)”.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Chúng ta không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh do MERS-CoV. Tất cả các trường hợp nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng cần được khám sàng lọc và xét nghiệm. Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh vào Việt Nam để sớm phát hiện những ca nghi ngờ, không để dịch bệnh lây lan”.
Phương Liên