Để “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” thực sự có ý nghĩa: Còn nhiều việc phải làm

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Trong 3 năm qua, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, các cơ quan chức năng cùng với đồng bào các dân tộc, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đã từng bước đưa Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Song, để quyết định thực sự đi vào cuộc sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm…

Những kết quả đáng khích lệ

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”, diễn ra chiều qua (18/4) tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc đánh giá, 3 năm qua, với sự chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các ban ngành địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm triển khai một cách có hiệu quả “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống.

Giới thiệu dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Lùng Tám, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang tại khu văn hóa chợ vùng cao phía Bắc (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Theo đó, việc bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được triển khai thực hiện, gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chủ đề dân tộc và miền núi hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Các hình thức tổ chức đa dạng và phong phú như hội thi thể thao, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi tuyên truyền sách, tuần văn hóa du lịch, lễ hội và trò chơi dân gian truyền thống... Đã thành lập được hơn 500 câu lạc bộ và hàng nghìn đội văn nghệ quần chúng nhằm duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào. Hoạt động của các địa phương chủ yếu tập trung vào công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho bà con, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa... gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những gì tốt đẹp nhất của đồng bào, loại bỏ dần những cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành dần những tập quán mới tiến bộ, văn minh như Lạng Sơn thành lập Hội Bảo tồn dân ca xứ Lạng, Cao Bằng thành lập hội Bảo tồn di sản văn hóa Cao Bằng...

Hàng năm, tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam - “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em đã tổ chức nhiều hoạt động lớn kỷ niệm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” như tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ để tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam; tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, các nhà khoa học để đề xuất những sáng kiến, ý tưởng giải pháp thực hiện chính sách văn hóa dân tộc; lựa chọn chủ đề thiết thực cho từng năm, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng thực hiện cho những năm tiếp theo...

Còn nhiều việc phải làm

Để “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” phát huy được hiệu quả và đi vào chiều sâu, thì vẫn còn nhiều việc phải làm, đó là điều được nhiều đại biểu đề cập trong Hội nghị.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở VH, TT & DL Lào Cai cho biết: “Cần đổi mới cách làm, bắt đầu từ cơ sở. Phải có dự án tổng thể, cụ thể từ cơ sở làm gì, cấp tỉnh, huyện làm gì, TƯ làm gì, nên triển khai những vấn đề thiết thân nhất của đồng bào dân tộc về văn hóa và làm dứt điểm từng năm một”. Còn ông Trùng Thương – Giám đốc Sở VH, TT & DL Hà Giang thì cho rằng, Bộ VH, TT & DL nên có một ban xây dựng đề án triển khai thực hiện Quyết định 1668, có những quy định cụ thể, cái gì TƯ làm, cái gì tỉnh huyện làm, cái gì dân làm... Đề án triển khai thực hiện quyết định dài hơi trong 5 năm, 10 năm, 20 năm... rồi sau đó tổ chức thực hiện. Có như vậy thì việc thực hiện Quyết định 1668 mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Nghệ nhân A Thút – người dân tộc Bana tỉnh Kon Tum cho rằng, việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những thành quả lớn, đó là phong trào văn hóa nói chung phát triển mạnh hơn nhiều. Nhưng muốn mạnh hơn nữa, thì từ cấp bộ, đến tỉnh, huyện, xã cần quan tâm đến vấn đề về nhân lực, con người ở cơ sở. Nhà nước đã đầu tư xây dựng được “ngôi nhà chung”, thì cơ sở phải có nghệ nhân để duy trì, hoạt động “ngôi nhà chung” đó. Muốn vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, có sự hỗ trợ các nghệ nhân, thường xuyên đưa nghệ nhân vào hoạt động ở làng văn hóa thì ngôi làng mới thực sự sống, mới tồn tại lâu dài...

Đã đến lúc các ngành, các cấp cần chung tay góp sức để “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” trở lên thiết thực hơn, có ý nghĩa hơn, phù hợp hơn, đúng theo tinh thần của “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Kiều Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN