Đề cao giá trị văn hóa truyền thống

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), nhóm 2: Văn hóa - Xã hội đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về tổng kết phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng nhóm, chủ trì buổi làm việc.


Bộ VHTTDL cho biết: Trong 30 năm tiến hành đổi mới, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa có những biến chuyển. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao; nhiều chuẩn mực đạo đức mới được hình thành. Dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng. Tính năng động, sáng tạo, tích cực công dân được phát huy; năng lực cá nhân được khuyến khích. Xây dựng môi trường văn hóa có nhiều biến chuyển: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tác động lớn đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường sống lành mạnh.

Các lễ hội cổ truyền được phục dựng; phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ngày càng phong phú, đa dạng. Văn học nghệ thuật có bước phát triển mới, trong đó văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt nhiều thành tựu; nhiều di sản được UNESCO vinh danh, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong 30 năm tiến hành đổi mới về phát triển văn hóa và xây dựng con người. Đó là nhiệm vụ xây dựng con người chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được khắc phục và có chiều hướng gia tăng. Chức năng giáo dục của văn hóa chưa được khai thác tốt. Chất lượng xây dựng môi trường văn hóa còn nhiều hạn chế, tiêu cực xã hội gia tăng...


Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Văn hóa là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, muốn gìn giữ, phát huy văn hóa phải làm đảm bảo đúng theo quy luật phát triển. Hệ giá trị của văn hóa Việt Nam chính là tinh thần yêu nước, cần cù lao động của người dân, sự quý trọng, phát huy vai trò của gia đình, coi trọng nguồn cội, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, cùng dũng cảm, kiên cường vượt khó và coi sáng tạo là phương thức để tồn tại. Văn hóa cùng với các hệ giá trị của văn hóa chỉ tồn tại, phát triển được khi chúng ta có các cấp chế tài duy trì, nuôi dưỡng nó.

 

Chế tài đầu tiên và là nền tảng cho sự tồn tại, phát triển của văn hóa chính là gia đình, tiếp đó là làng xã, trường học, nơi làm việc, Nhà nước, dư luận xã hội. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: Gia đình không chỉ là nền tảng để duy trì, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam mà cũng chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam. Đồng chí đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu, tiếp tục làm rõ báo cáo về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt làm rõ các xung đột, mâu thuẫn giữa phát triển văn hóa, xây dựng con người trong phát triển của kinh tế thị trường; vai trò của thế hệ trẻ trong phát triển văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa...


Thanh Giang

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống Khmer

Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án xây dựng 44 nhà hỏa táng tại các cụm dân cư có đông đồng bào Khmer sinh sống và tại các chùa Khmer trong tỉnh. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2015, với tổng kinh phí đầu tư 44,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN