Dạy phòng chống tham nhũng trong nhà trường

Từ năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT bắt đầu đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục (từ bậc THPT trở lên). Theo đó ở bậc THPT, nội dung được tích hợp, lồng ghép vào môn giáo dục công dân với thời lượng 6 tiết (được phân bố trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12).


Ở bậc Trung cấp chuyên nghiệp, nội dung phòng chống tham nhũng sẽ giảng dạy 4 tiết trong môn pháp luật (lấy 4/6 tiết tự chọn thành 4 tiết bắt buộc). Đối với các trường ĐH-CĐ không chuyên về luật, nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp, lồng ghép vào môn pháp luật đại cương hoặc các môn khác phù hợp, thời lượng 5 tiết. Còn với các trường ĐH-CĐ đào tạo chuyên ngành luật, nội dung trên sẽ tích hợp, lồng ghép với thời lượng 15 tiết, trong đó có 5 tiết tự nghiên cứu. Các trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa như báo cáo chuyên đề, tìm hiểu luật phòng chống tham nhũng, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt chính trị đầu năm…


Có thể nói tham nhũng là một vấn nạn lớn của nhiều quốc gia gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước. Chính tham nhũng làm xói mòn đi lòng tin của người dân đối với chính quyền, gây đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước,… Tuy nhiên, tham nhũng diễn ra hết sức tinh vi không dễ gì phát hiện, thậm chí chúng ta đang thiếu những con người có đủ dũng khí, đủ trình độ, đủ phẩm chất đương đầu với loại tội phạm nguy hại này. Mặc dù trong một số vụ việc đã có người dám chỉ ra hành vi tham nhũng, đối tượng tham nhũng. Nhưng họ vẫn “đơn thương độc mã”, chưa hội đủ sức mạnh để đối tượng tham nhũng dè chừng; thậm chí các đối tượng còn dùng mọi thủ đoạn nhằm giảm bớt nhuệ khí của người được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.


Đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào nhà trường là bước cơ bản nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ có được những kiến thức về pháp luật để từ đó hiểu biết như thế nào là hành động tham nhũng, cách thức ngăn ngừa,...và bền vững hơn chính là khơi dậy tinh thần dũng cảm, trách nhiệm vì nước, vì dân của từng cá nhân, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ và chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.


Tuy nhiên, để phòng chống tham nhũng trong nhà trường đạt được hiệu quả mong đợi, trước hết công tác phòng chống tham nhũng phải được thực hiện một cách nghiêm minh, không xuê xoa vị nể. Điều này đòi hỏi các cơ quan công quyền phải sớm xử lý dứt điểm, nghiêm túc những cán bộ gây ra các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong thời gian qua đồng thời thực hiện khen thưởng, động viên kịp thời những người dám đứng ra chống tiêu cực, tham nhũng.


Đây cũng chính là những bài học từ thực tế sinh động nhất giúp cho thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường có được niềm tin vững vàng sau những giờ học lý thuyết trên lớp, góp phần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng có hiệu đạt hiệu quả như mong đợi.


Văn Thy Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN