Đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào dân tộc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt việc phối hợp, chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Do tập quán và thói quen lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại những xã, bản vùng sâu, vùng xa trong việc sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy, nên để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, Công an tỉnh Lai Châu xác định, công tác tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng.

Trên cơ sở đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương tuyên truyền rộng rãi những nội dung của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.

Lai Châu cũng đã thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ tỉnh đến cơ sở. Đối với địa bàn cơ sở, Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo các lực lượng tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức và biện pháp phong phú như, xây dựng phóng sự, bài viết, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, pa nô, tờ rơi…

Đặc biệt, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản; vận động linh hoạt, khéo léo để quần chúng tích cực tham gia, tự giác giao nộp các loại vũ khí.

Ông Vừ A Tùa, Bí thư Chi bộ bản Noong Quang, xã Khoen On, huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: “Trước đây, trong bản thường sử dụng súng săn để báo hiệu có người mất, bà con dùng súng để săn bắt, bảo vệ trước thú dữ… Được cán bộ công an xã, huyện và các cấp chính quyền tuyên truyền, người dân trong bản đã tiến hành giao nộp 7 khẩu súng kíp 3 nòng, 9 khẩu súng bắn cồn. Các gia đình đã bỏ tục lệ nổ súng khi có việc hiếu”.

Là một trong những địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên để làm tốt công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Mường Tè đã xây dựng phong trào tới lực lượng Công an xã. Theo đó, lực lượng Công an thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền, đồng thời phát phiếu tố giác đến từng hộ dân; tiến hành cho người dân viết cam kết tự giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Dựa trên kết quả tổng hợp các phiếu tố giác, lực lượng Công an tiến hành vận động thu hồi theo quy định. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an huyện Mường Tè đã tổ chức làm điểm tại 4 bản, 162 hộ dân tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè, vận động thu hồi được 7 khẩu súng kíp.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương trong vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Công an Lai Châu đã thu hồi 253 khẩu súng kíp, 211 khẩu súng hơi cồn, 30 nòng súng, 6 bẫy kiềng và nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí khác. Trong đó, nhiều nhất là huyện Phong Thổ, thu hồi được 13 khẩu súng kíp, 115 khẩu súng hơi cồn, 2 đầu đạn cối; huyện Than Uyên thu hồi 92 khẩu súng kíp, 30 khẩu súng hơi cồn, 27 nòng súng…


Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu là địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc sinh sống nên để làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch của Bộ Công an; Chỉ thị của tỉnh về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, các lực lượng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các vùng dân tộc, khu dân cư; xây dựng mô hình xã, bản điển hình về công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác trên phạm vi toàn tỉnh…

“Lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các loại công cụ hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị được phép trang bị trước đây, nay theo quy định không được trang bị để thu hồi theo Thông tư số 46/2014/TB-BCA của Bộ Công an; đồng thời tích cực rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các hộ dân đang tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vận động họ tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng tại địa bàn cơ sở”, Đại tá Bùi Gia Lượt cho biết thêm.

Quang Duy (TTXVN)
Người dân giao nộp vũ khí để nhận quà
Người dân giao nộp vũ khí để nhận quà

Giao nộp vũ khí, hung khí, vật liệu nổ để đổi lấy những món quà trong cuộc sống là một chủ trương mới, nhiều ý nghĩa đang được triễn khai tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN