Nguồn vốn đầu tư dự kiến của chương trình là khoảng 179 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hơn 97 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác.
Với những chính sách cụ thể, công tác đào tạo sát với thực tiễn, chương trình sẽ góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố.
Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, trong năm 2017, thành phố đặt chỉ tiêu đào tạo nghề tối thiểu cho 20% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề (khoảng 440 người); đồng thời thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho các học viên người dân tộc.
Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện có việc làm. Ảnh: Công Luật/TTXVN |
Học viên được học tập trung tại các trường cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khoá học. Người học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) được hỗ trợ chi phí học nghề một lần cho từng đối tượng. Trường hợp đã hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc thì quận, huyện xem xét tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm nhưng tối đa không quá 2 lần.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phối hợp với các quận, huyện mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại địa phương. Doanh nghiệp tham gia đào tạo trên tinh thần tự nguyện và cam kết tiếp nhận học viên dân tộc thiểu số vào làm việc trong thời gian tối thiểu một năm sau khi tốt nghiệp.
Tính đến tháng 2/2017, Sở đã vận động thành công nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố tham gia liên kết trong công tác đào tạo và tiếp nhận lao động là người dân tộc như, Công ty may giày Taekwang, Công ty may giày Bitis, Nhà máy may Vinatex Cần Thơ... Dự kiến số lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các đơn vị này là 300 người.
Năm 2017, ngành Lao động thành phố cũng sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập tồn tại trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2010-2016.