Thời đại kinh tế bao cấp hay thị trường bao giờ cũng tồn tại hai mặt mạnh-yếu. Bao cấp thì kinh tế trì trệ nhưng tinh thần, đạo đức xã hội, sự chấp hành điều phối của lãnh đạo được người dân trách nhiệm cao. Ngược lại yếu-mạnh trên là mạnh-yếu của thị trường.
Ta bắt đầu mở cửa, hội nhập với "bốn bể năm châu" đã vài thập niên, thu nhập bình quân cả nước đã thoát khỏi "ngưỡng nghèo" của thế giới. Sao vẫn thấy nhiều lo lắng nhất là về trách nhiệm công dân và đạo lý? Ngày xưa vừa sản xuất vừa chiến đấu, thiếu thốn đói nghèo quá thể mà Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, vận động nào là trở thành phong trào rầm rộ ngay. Tham nhũng, tiêu cực có nhưng không nhiều và lớn như bây giờ, "nhường cơm sẻ áo" tình nghĩa ai cũng lấy làm cốt lõi.
Thời thị trường đã nhiều đảo lộn (đương nhiên không phải tất cả). Ra đường là bắt gặp ngay một số không ít lớp trẻ ăn nói thô lỗ tục tĩu, lên xe bus thấy người già, trẻ em, phụ nữ có thai, học sinh, sinh viên vẫn rung đùi trên ghế, không nhường chỗ. Rồi vũ trường, lắc láp, đâm chém và các cô gái "son phấn" đứng đường…
Làm sao để thị trường định hướng của ta giữ được cốt cách hiếu nghĩa trọng đạo? Việc này đặt lên vai tất cả mọi người nhất là những cá nhân, tổ chức được giao hoạch định. Con người là tiên quyết và phải được bắt đầu từ khi ngồi vào ghế mẫu giáo. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Trồng người cũng phải có cách thức hợp thức. Các bậc phụ huynh đừng đặt đồng tiền lên hàng đầu mà dành hết thời gian tìm kiếm, ít quan tâm tới con cái. Nên nhớ rằng tiền của chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với các yếu tố: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, giá trị cuộc sống… Ta cũng đã có công thiết lập các phong trào "Văn hoá doanh nhân, văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử…" nhưng hiệu quả đến đâu vẫn còn hy vọng ở lộ trình.
Không nền móng thì bao cấp, thị trường hay gì gì nữa cũng đâu bền vững được nếu không đi từ gốc?
Đào Vĩnh