Sinh năm 1949 ở vùng đất Mường Khoòng - một Mường lớn của người Thái xưa, nay là huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, cậu bé Hà Văn Nênh (tên hồi nhỏ của thầy Hà Nam Ninh) được cha mẹ dạy nói tiếng Thái và văn hóa bản địa. Lúc bấy giờ, cậu bé Hà Văn Nênh cũng như bố mẹ và người dân trong bản, trong Mường chỉ có thể nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái chứ không thể đọc, viết được chữ Thái.
Được gia đình cho ăn học, lớn lên, Hà Văn Nênh trở thành thầy giáo, rồi thành một cán bộ quản lý giáo dục và Phó Chủ tịch UBND phụ trách mảng văn hóa của huyện miền núi Bá Thước. Chính quãng thời gian ấy đã cho ông có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về văn hóa và chữ viết của dân tộc mình.
Theo ông Ninh, người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, là điểm mà nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam không có. Ông luôn mong muốn, ai là người dân tộc Thái phải biết nói tiếng Thái, biết làn điệu Khặp Thái, hiểu được cái nguồn, cái gốc của dân tộc mình. Do đó, suốt 36 năm công tác, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tâm nguyện là làm sao để chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy.
Với trọng trách của một người con dân tộc Thái trong việc nối truyền những nét văn hóa đặc trưng của cha ông để lại, ông đã thu thập những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán của người Thái đã và đang dần mai một theo thời gian.
Giờ đây, căn nhà sàn nhỏ bên bờ sông Mã của ông lưu giữ hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Thái có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm. Để có kho tàng khổng lồ này, ông Hà Nam Ninh đã dày công sưu tầm suốt bao năm qua, chỉ cần nghe nơi nào có sách, có tư liệu liên quan đến chữ viết của người Thái, ông đều tìm cách đến tận nơi để xin, để mua lại...
Tủ sách của ông có nhiều tư liệu lịch sử rất quý được viết bằng chữ Thái như: Văn khế địa giới đất đai giữa các bản, các tổng; Lịch sử hình thành cộng đồng dân cư làng xã; Thần phả và những câu chuyện về nhân vật lịch sử có công; các thống kê đinh điền, sản vật, thuế má...
Trong đó, thứ quý giá nhất phải kể đến là truyện thơ bằng chữ Thái “Truyện kể đường lên thiên đàng” viết thời vua Lê Chiêu Tông, cách đây hơn 500 năm. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều sách, thơ, truyện bằng chữ Thái như: "Truyện thơ Khăm Panh", "Khun Lú - Nàng Ủa", "Sống Chụ Son Sao", "Truyện tình Pha-dua"… Đây là những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái ở Thanh Hóa nói riêng và người Thái ở Việt Nam nói chung.
Thầy giáo, Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh cho biết: Tiếng Thái có cấu tạo ngữ pháp giống như tiếng Việt nên dễ học, phù hợp với tư duy chung của các tộc người trong khu vực và vốn từ vựng dồi dào, phong phú.
Chữ Thái cổ Thanh Hóa là một phần cơ bản và rất quan trọng của văn hóa của người dân tộc Thái. Văn hóa dân tộc Thái cùng với văn hóa các dân tộc khác đã tạo ra sức mạnh và sự phong phú trong quá trình xây dựng xứ Thanh ngày càng giàu đẹp, tiến lên thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ đã từng căn dặn.
Không chỉ đam mê với việc sưu tầm tư liệu, sách vở về chữ dân tộc Thái, văn hóa dân tộc Thái, từ năm 1985-1995, ông Hà Nam Ninh đã miệt mài nghiên cứu, biên soạn tài liệu về chữ Thái như: "Bộ chữ thái cổ Thanh Hóa", "Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa", "Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái"… Sau khi biên soạn thành giáo án, ông Ninh quyết định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại địa phương cho những người yêu và muốn học chữ Thái.
Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều cán bộ đang công tác tại UBND các xã của huyện Bá Thước, các hạt kiểm lâm, các chiến sỹ Biên phòng đã tìm đến lớp học của ông. Họ đều hiểu rằng, mình là cán bộ công tác trong vùng đồng bào dân tộc Thái, hiểu tiếng Thái sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình công tác có thể tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân.
Nhận thấy những việc làm ý nghĩa của thầy giáo Hà Nam Ninh, năm 2006, Sở Nội Vụ Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã cấp chứng chỉ dạy chữ Thái cho ông Hà Nam Ninh. Năm 2007, để tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa mời ông Hà Nam Ninh dạy tiếng Thái cho 13 giáo viên của Trường Đại học Hồng Đức.
Hiện, dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn đang tham gia giảng dạy chữ Thái cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Trường Đại học Hồng Đức. Đồng thời, ông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức dạy chữ Thái cho cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang công tác ở các huyện, các xã vùng cao biên giới. Những học viên tham gia lớp học chữ Thái của ông chỉ sau 20 ngày đã có thể giao tiếp, viết và đọc được chữ của người dân tộc Thái.
Sau 36 năm cống hiến, từ khi nghỉ hưu (năm 2004) đến nay, ông lại có thêm nhiều thời gian hơn, chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái. Ngoài ra, ông còn cùng các nhà nghiên cứu tham gia chỉnh sửa tài liệu "Dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công tác vùng cao" dành cho người dân tộc khác học tiếng Thái, rồi "Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái" dành cho cán bộ, công chức, viên chức, công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Thanh Hóa...
Ông Ninh chia sẻ: Để có giáo án dạy cho học viên, ông luôn phải đổi mới và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Ông tập trung soạn ra những bài giảng gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày giúp học viên dễ dàng tiếp cận, dễ hiểu, dễ tiếp thu và nhanh chóng giao tiếp được. Trong đó, ông kết hợp sử dụng những từ Thái cổ và những từ gần với tiếng Việt nhất. Ông sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có thật nhiều học trò tiếp nối cha ông giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Anh Hoàng Trọng Long, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa là một học viên tham gia lớp học chữ dân tộc Thái do Chi cục Kiểm lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và Trường Đại học Hồng Đức phối hợp tổ chức. Anh cho biết: Là cán bộ kiểm lâm công tác trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, việc học tiếng Thái giúp anh có thêm cơ hội để hiểu hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của bà con dân tộc. Từ đó, các cán bộ Kiểm lâm có những cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, đồng thời giúp bà con yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng.
Với những thành tích trong công tác và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015, ông Hà Nam Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa.