Nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã chứng nhận “Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang” là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao, trong đó người Dao Đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả…(huyện Na Hang) và xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình). Đối với người Dao Đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Chị Bàn Thị Chiều, dân tộc Dao Đỏ, tổ 10, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang cho biết: Trang phục của người Dao Đỏ thường có 5 màu cơ bản là đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó màu đỏ là màu chủ đạo tạo nên điểm nhấn cho bộ trang phục. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và mọi điều tốt lành cho con người.
Điểm độc đáo trên trang phục của người Dao Đỏ, đặc biệt bộ váy áo của người phụ nữ Dao Đỏ là các hoa văn trang trí đều được thêu bằng tay, không theo mẫu có sẵn mà theo trí tưởng tượng của mỗi người từ những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật... Do đó, hoa văn trang trí mỗi bộ trang phục đều rất độc đáo, không có bộ nào giống bộ nào.
Chị Triệu Thị Lập (dân tộc Dao Đỏ, ở xã Thanh Tương, huyện Na Hang) chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cho cách may bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình. Mỗi bộ trang phục đều được thêu bằng tay rất kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ nhiều khi mất cả năm mới làm xong một bộ váy áo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao Đỏ thường ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang Hoàng Minh Đăng cho biết: Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ đã có từ lâu đời. Đó là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. Trang trí trang phục là sản phẩm của nghệ thuật và kỹ thuật thêu tinh tế, khéo léo. Hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ rất cầu kỳ, đường nét rất tinh tế kết hợp với kỹ thuật thêu móc, thêu chéo mũi. Nhờ vậy, đường nét hoa văn trang trí rất sống động đẹp mắt. Phụ nữ Dao đỏ rất giỏi thêu thùa, đặc biệt là họ thêu không cần mẫu, hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng
Việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc luôn được được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các địa phương thường tổ chức các cuộc liên hoan, trình diễn trang phục của các dân tộc nhằm khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tỉnh Tuyên Quang đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ là việc làm hết sức có ý nghĩa.