Bệnh nhân nam, 52 tuổi, ở An Giang được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 1/6 trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Bệnh nhân bị suy hô hấp, sốt cao, rối loạn tri giác và đặc biệt là bị kích động mạnh.
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, bệnh nhân này làm nghề buôn bán thịt lợn ở chợ. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân tự nhiên sốt cao, nhức đầu, nôn ói nên vào điều trị tại bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não. Do bệnh diễn tiến nặng nên người bệnh được chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Từ những thông tin của người nhà bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán người này có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Kết quả cấy dịch não tủy sau đó đã xác định chính xác người bệnh bị nhiễm vi khuẩn “Streptococcus suis” thường có trong đường hô hấp của lợn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), liên cầu khuẩn lợn này đã theo đường máu tấn công lên hệ thần kinh trung ương, gây nên tình trạng viêm màng não mủ. Chính vì thế, đã khiến bệnh nhân bị kích động mạnh, giãy giụa nhiều, thậm chí phải cột tay chân cố định tại giường bệnh. Bệnh nhân phải thở máy trong 2 ngày kết hợp với điều trị kháng sinh mạnh. Sau 8 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và hồi phục tốt.
Theo các bác sĩ, bệnh lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc ăn phải thức ăn chế biến từ lợn bị bệnh chưa được nấu chín như thịt tái, tiết canh. Những người thường xuyên tiếp xúc với gia súc như giết mổ thịt lợn, người mua bán thịt lợn và ngay cả nhân viên thú y đi kiểm dịch cũng có thể bị lây nhiễm… Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận vài ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ các nơi chuyển đến.
Trước mức độ nguy hiểm do bệnh này gây ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có vết trầy xước thì không nên tiếp xúc với gia súc; không nên ăn thịt lợn chưa nấu chín; khi chế biến thịt lợn sống phải có găng tay bảo vệ.