Cuộc gặp thượng đỉnh Nga, Pháp, Đức về Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, đêm 6/2, rạng sáng ngày 7/2 theo giờ Việt Nam, tại Điện Kremli ở thủ đô Moskva của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành một cuộc thảo luận nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Bộ ba nhà lãnh đạo Đức, Nga, Pháp trong cuộc thảo luận tại Điện Kremlin ngày 6/2. Ảnh: RIA Novosti


Theo ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, cuộc thương thảo diễn ra theo thể thức "trực tiếp" không có sự tham gia của thành viên phái đoàn cũng như không có bất cứ chuyên gia nào.

Ông Peskov cho biết: "Theo đề xuất của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, hiện đang tiến hành việc soạn thảo nội dung văn kiện chung về khả năng thực thi các thỏa thuận Minsk. Văn kiện này bao gồm đề xuất của Tổng thống Ukraine và những đề xuất được đưa ra ngày 6/2, đề xuất bổ sung của Tổng thống Nga Putin... Sau đó, những nội dung và đề xuất này sẽ được đưa ra để tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột (ở Ukraine) thông qua. Công việc sẽ tiếp tục và kết quả ban đầu sẽ công bố trong ngày 7/2, trong cuộc điện đàm theo thể thức 'Normandy' ở cấp cao nhất".

Cuộc đàm phán giữa 3 nhà lãnh đạo Nga-Đức-Pháp tại Điện Kremli kéo dài khoảng 4 giờ. Sau 1,5 giờ đàm phán đầu tiên, tiến hành theo thể thức trực tiếp không có các trợ lý tham gia và không cho phép phóng viên tiếp cận, các ông Putin, Hollande và bà Merkel đã xuất hiện trước báo giới. Họ không đưa ra tuyên bố mà chỉ cho phép các phóng viên tác nghiệp trong vài giây, sau đó lại tiếp tục cuộc họp kín.

Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 6/2 theo giờ Việt Nam, bà Merkel và ông Hollande đã lần lượt đáp xuống sân bay Vnokovo ở Moskva, sau đó hai nhà lãnh đạo đã đi thẳng tới Điện Kremlin để bàn với Tổng thống Putin về sáng kiến mới giải quyết cuộc xung đột ngày càng căng thẳng ở miền Đông Ukraine.

Trước đó, tối 5/2, ông Hollande và bà Merkel đã bất ngờ tới Kiev, thảo luận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Sau cuộc gặp hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp không đưa ra tuyên bố nào với báo giới. Trong khi đó, trang web của Tổng thống Ukraine thông báo ba nhà lãnh đạo đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, rút vũ khí hạng nặng, đóng cửa biên giới và phóng thích tất cả tù binh. Những yêu cầu này lặp lại quan điểm của Biên bản Minsk ngày 5/9/2014 và Bản nghi nhớ Minsk ngày 19/9/2014 sau đó.

Giới chuyên gia cho rằng, trở ngại chính đối với Biên bản Minsk 12 điểm có lẽ là qui chế của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPT) tự xưng. Biên bản Minsk 12 điểm đã được các đại diện DPR và LPR đặt bút ký dưới sự trung gian của Nga, OSCE ngày 5/9/2014. Biên bản bao gồm các điều khoản ngừng bắn, trao đổi tù binh và một số thỏa thuận chính trị, cụ thể là trách nhiệm của Ukraine thông qua luật về qui chế đặc biệt cho vùng Donbass.


TTXVN/Tin tức
Xung đột ở Ukraine: Không lối thoát?
Xung đột ở Ukraine: Không lối thoát?

Tại Donbass, giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Giờ đây có vẻ như cuộc khủng hoảng này không có đường lui? "Quá nhiều máu đã đổ để nói về hòa bình", Dushman, một lãnh đạo cấp cao của lực lượng ly khai ở Donetsk nói.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN